Dân Việt

Khắc phục "tâm lý thi đấu" bằng tư thế ngẩng cao đầu

04/08/2012 20:07 GMT+7
(Dân Việt) - Thể thao là thể thao, nhất là thể thao Olympic! Nó không giống các kỳ SEA Games - nơi các nước chủ nhà thường vô địch và người ta công khai ngồi họp để “chia” huân chương cho nhau.

Cứ xem 8 cầu thủ cầu lông “đánh lấy thua” vừa bị đuổi khỏi giải ngay lập tức một cách nhục nhã thì đủ biết sự công minh dưới ngọn lửa Olympic như thế nào. Và trong sự công minh đó, cả Quốc Toàn lẫn Tiến Minh cùng nhiều vận động viên khác của ta đã lặng lẽ rời trường đấu London mà không được đeo trên cổ một huân chương nào! Chuyện ấy chẳng có gì lạ.

img
8 VĐV cầu lông Trung Quốc bị loại vì thi đấu giả vờ

Thắng thua trong thể thao là chuyện thường tình, thua keo này thì bày keo khác, có thể sẽ thắng hoặc không bao giờ thắng đi nữa cũng chẳng sao! Được tới một đấu trường lớn có 2000 năm lịch sử như thế cũng đáng khen lắm rồi.

Nhưng người ta đã nói nhiều nếu không nói là đổ vấy cho cái gọi là “yếu tố tâm lý”! Sao không nói thẳng là đẳng cấp vận động viên chỉ đến thế? Thua hay thắng đều do cái trình độ, đẳng cấp mà ra. Sức mạnh của một vận động viên gồm thể xác và tinh thần, khó tách bạch ra được. Tinh thần bao gồm sự thông minh xử lý tình huống và tâm lý thi đấu.

Chắc chắn trong huấn luyện của ta, các ông thầy cũng đã không quên “sức mạnh tinh thần”. Nhưng vận động viên thì có thể quên. Và thua, đơn giản thế thôi. Tinh thần “nhanh hơn, mạnh hơn, cao hơn” của Olympic là hãy xử lý nhanh hơn, quyết tâm mạnh hơn, suy nghĩ có tầm cao hơn cộng với cơ bắp “mạnh hơn, nhanh hơn, cao hơn” đối thủ thì nhất định thắng, nhất định có huân chương. Nhưng vận động viên của ta kỳ này chưa hơn đối thủ cả về cơ bắp lẫn tinh thần.

Cái “yếu tố tâm lý” này không chỉ làm hại vận động viên mà làm hại rất nhiều người. Tất cả cũng vì do tinh thần tự ti, nhút nhát, sợ sệt mọi thứ và luôn khiêm tốn giả vờ! Con người không được hành động hay lao động trong tự do thì tất nảy sinh “yếu tố tâm lý”! Đọc một bài diễn văn người khác viết sẵn cho vẫn không trơn, làm bài thi dễ cũng sai sót, huống chi trên đấu trường quốc tế, quả có yếu tố tâm lý.

Chữa bệnh này không phải nhắc nhở, giáo dục mà được. Phải bắt đầu từ tư thế ngẩng cao đầu trong mọi hoàn cảnh, kể cả lúc thất bại hay cam go.