Đó là khẳng định của các cơ quan chức năng thuộc các tỉnh miền Trung.
Ngư dân chuẩn bị ra khơi tại Cảng Đà Nẵng. |
Nhiều giải pháp để động viên ngư dân
Ngày 3.8, ông Phùng Đình Toàn - Chi cục phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Quảng Ngãi cho biết, thời gian qua, số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ của Quảng Ngãi bị nạn, gặp rủi ro, bị nước ngoài bắt giữ trái phép nhiều nhất nhì trong số các tỉnh thành ven biển của cả nước, với trên 500 chiếc. Với bất cứ trường hợp nào, các cơ quan chức năng của tỉnh ngoài động viên thăm hỏi cũng đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ ngư dân, giúp ngư dân có điều kiện trở lại làm nghề.
“Quan trọng nhất là đừng để ngư dân nản lòng, bế tắc, bỏ biển” - ông Toàn nhấn mạnh. Cũng theo ông Toàn, do điều kiện ngân sách hạn hẹp nên việc hỗ trợ cho các ngư dân khi gặp rủi ro còn khiêm tốn. Từ đầu năm 2012 đến nay, Quảng Ngãi đã có 3 trường hợp ngư dân bị mất phương tiện trong quá trình đánh bắt do thiên tai và nước ngoài tịch thu. Tỉnh Quảng Ngãi đã giải quyết để 3 trường hợp này vay 1 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để đóng tàu mới và tiếp tục ra khơi.
Chiều 3.8, ông Lê Tấn Bản – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh này đã giải ngân khoảng 20 tỷ đồng hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản ở vùng biển xa thuộc quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Theo đó, ngư dân sẽ được hỗ trợ tiền dầu 4 chuyến biển/năm, hỗ trợ bảo hiểm thân tàu cùng bảo hiểm tai nạn thuyền viên và được cấp máy định vị HF tầm xa cho các tàu từ 90CV trở lên tham gia đánh bắt ở các vùng biển xa.
Trước đó, Đài Thông tin Duyên hải Nha Trang phối hợp với Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa, đại diện Công ty CLS (Cộng hòa Pháp) đã tổ chức tập huấn cho 120 chủ phương tiện tàu cá đánh bắt xa bờ (từ 90CV trở lên) trên địa bàn tỉnh về hệ thống thông tin liên lạc trên biển bằng công nghệ vệ tinh Movimar. Đây là dự án vay vốn ODA của Cộng hòa Pháp. Dự án hỗ trợ cho 3.000 tàu cá của 28 tỉnh, thành, trong đó Khánh Hòa được hỗ trợ thiết bị lắp đặt cho 120 tàu.
Sẽ thêm nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân
Ngày 3.8, ngư dân Lê Mến, chủ tàu dịch vụ hậu cần Đna - 90444 (Đà Nẵng) khẳng định chủ trương “vẫn ra khơi” của mình và bày tỏ mong muốn Nhà nước tăng cường chính sách hỗ trợ ngư dân. Theo chủ tàu này, Trung Quốc có cho bao nhiêu tàu cá xuống Biển Đông thì ông và các ngư dân vẫn ra khơi, nhưng xăng dầu tăng giá đến mức đi biển không có lãi thì sẽ chẳng còn ngư dân nào yên tâm ra khơi. Theo ông Mến, giá xăng dầu đang làm ngư dân lúng túng chọn ở nhà hay ra biển...
Ngư dân Lê Mến
- chủ tàu Đng - 90444
Tại Cảng Đà Nẵng, các ngư dân không tỏ ra băn khoăn nhiều về tàu Trung Quốc mà chỉ băn khoăn về thực lực công nghệ của mình. Theo họ, tàu cá của ngư dân mình có thiết bị còn thô sơ và chưa đồng bộ, các công việc chủ yếu thực hiện bằng sức người.
Trong khi đó, tàu cá của Trung Quốc được trang bị đầy đủ và hiện đại, thông tin liên lạc giữa các tàu của họ rất nhanh, thông suốt. Riêng việc liên lạc bằng bộ đàm Icom của ngư dân ta đã không đồng bộ mà thường bị Trung Quốc chèn sóng. Hiện nay, ngư dân mình đánh bắt ở Hoàng Sa không thể liên lạc được trong tần số 84-92 HF. Bật bộ đàm lên chỉ nghe tiếng... Trung Quốc. “Các cơ quan chức năng nên sớm xem xét vấn đề này, vì việc ngư dân không thể liên lạc được với nhau trên biển là rất nguy hiểm” - một ngư dân nói.
Ngày 3.8, ông Hồ Phó - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng bày tỏ đồng tình những ý kiến xác thực của ngư dân. Theo ông, còn rất nhiều việc mà Nhà nước phải làm để giúp ngư dân vươn khơi, bám biển. Riêng Đà Nẵng đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, như mới đây đã hoàn thành mua 100% bảo hiểm thuyền viên cho gần 3.000 ngư dân làm việc trên các tàu có công suất 50CV trở lên. Đồng thời, thành phố đang xúc tiến nhanh việc hỗ trợ máy tầm ngư dò ngang cũng như lắp đồng bộ thiết bị GPS định vị toàn cầu cho các tàu thuyền đánh bắt xa bờ.
Đình Thiên - Công Xuân - Mai Khuê