Dân Việt

Trung Quốc “lấy thịt đè người”

04/08/2012 06:11 GMT+7
(Dân Việt) - Đây là nhận định của chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Dương Danh Dy khi bình luận về việc Trung Quốc cho 23.000 tàu cá cùng ngư dân ra Biển Đông đánh bắt hải sản.

Bình luận về việc Trung Quốc cho 23.000 tàu cá cùng ngư dân ra Biển Đông đánh bắt hải sản sau khi lệnh cấm biển đơn phương phi pháp của Trung Quốc hết hiệu lực từ 1.8, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc Dương Danh Dy nhận định: Trung Quốc lại sử dụng chiến thuật “lấy thịt đè người” nhằm uy hiếp Việt Nam trên Biển Đông.

img
Chuyên gia về Trung Quốc Dương Danh Dy

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN chiều 3.8, ông Dương Danh Dy cho biết: Trong 3-4 ngày gần đây, qua theo dõi trên các mạng của Trung Quốc, tôi thấy họ đã xuống giọng với ta rất nhiều dù rằng hành động thì có vẻ vẫn cứng rắn. Dễ nhận thấy trên các mạng của Nhật báo Hoàn Cầu, Nhân Dân nhật báo, Phượng Hoàng hay Tân Hoa xã, đã ít bài “bôi đen” Việt Nam hơn trước.

Họ cũng đã đưa ít tin hơn về tình hình tại Biển Đông so với những ngày trước. Điều đó chứng tỏ Trung Quốc đã có những toan tính mới, và chắc chắn cũng có những e dè nhất định trước những động thái cởi mở về ngoại giao của Việt Nam với một số nước, đặc biệt trong đó có Mỹ.

Trước việc hàng chục nghìn tàu cá của Trung Quốc đồng loạt triển khai hoạt động đánh bắt cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam đã ra tuyên bố, trong đó chỉ đích danh: “Đây là hành động xâm lược của Trung Quốc, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam”.

Bình luận về việc Trung Quốc ào ạt cho ngư dân ra Biển Đông, chuyên gia Dương Danh Dy nhận định, đây chính là bài “lấy thịt đè người” quen thuộc của phía Trung Quốc. “Chiến thuật này Trung Quốc đã quen dùng trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Không riêng với Việt Nam mà ngay cả với các nước lớn, mạnh như Ấn Độ, Nhật hay Liên Xô (trước đây), họ cũng đã áp dụng chiến thuật này như một phép thử. Mức độ thành công của chiến thuật này phụ thuộc rất nhiều vào thái độ ứng xử của nước láng giềng cương quyết đến đâu.

“Khi gặp phải thái độ cương quyết, dứt khoát của đối phương thì người ta có thể thấy Trung Quốc sẽ ngay lập tức trở nên mềm dẻo, linh hoạt và nhún nhường hơn bởi họ luôn tuân theo nguyên tắc “mềm nắn rắn buông”.

Tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần phải tỏ rõ thái độ dứt khoát hơn nữa trong chính sách ngoại giao với Trung Quốc, đặc biệt là trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển đảo. Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ nước bạn Philippines trong vấn đề tranh chấp với Trung Quốc tại bãi cạn Panatag (tên quốc tế là Scarborough). Không bao giờ chúng ta có thể dự đoán hết được ý đồ âm mưu của Trung Quốc, họ luôn muốn đặt ta vào thế bị động trong cuộc chơi này. Chính vì vậy, ta phải tìm được ra cái chủ động trong thế bị động”, ông Dy khẳng định.

Về việc bảo vệ ngư dân Việt Nam ra biển làm ăn vào thời điểm này, ông Dy cho rằng cần phải có sự hỗ trợ đắc lực từ phía Cảnh sát biển Việt Nam và các lực lượng vũ trang khác vì không loại trừ khả năng trong số hàng chục vạn ngư dân của Trung Quốc tiến ra Biển Đông, có cả quân đội hóa trang dưới chiêu bài vũ trang hóa cho ngư dân.

“Và nếu tàu cá của họ xâm phạm lãnh thổ của ta thì phải bắt giữ ngay lại như cách người Nga, người Nhật vừa làm với tàu của Trung Quốc. Phải đối xử cứng rắn như vậy thì Trung Quốc mới không dám lấn tới nữa”, chuyên gia Dương Danh Dy đề xuất.