Dân Việt

Lời hứa của các thủ lĩnh nông dân

29/04/2013 10:32 GMT+7
(Dân Việt) - Hướng tới Đại hội đại biểu nông dân toàn quốc lần thứ VI, các tỉnh hội đã và đang tiến hành đại hội cấp tỉnh. Nhiều thủ lĩnh hội được bầu mới, nhiều thủ lĩnh tiếp tục được giao trọng trách chèo lái hoạt động hội và hỗ trợ hội viên.

Nhiệm kỳ mới, các thủ lĩnh hội sẽ hướng các hoạt động vào nội dung gì? Lời cam kết của họ đối với phong trào nông dân, nông thôn ra sao? Phóng viên NTNN đã ghi những chia sẻ, tâm sự của các thủ lĩnh hội...

Ông Võ Việt Chính - Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Ngãi: Tăng sức mạnh cho ngư dân bám biển

Nhiều năm qua từ sự hỗ trợ của Hội, hàng ngàn ngư dân Quảng Ngãi đã có điều kiện vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) và các ngân hàng đứng chân trên địa bàn, với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất.

Trong đó, riêng huyện đảo Lý Sơn, từ vốn Quỹ HTND đã có gần 100 gia đình được vay gần 1 tỷ đồng. Tuy nhiên sự trợ giúp đó còn ít so với nhu cầu của ngư dân. Vì vậy, nhiệm kỳ này, với trách nhiệm là người đứng đầu tổ chức Hội ND tỉnh, tôi sẽ dành sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ nhiều hơn cho ngư dân, nhất là số tham gia đánh bắt ở xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa.

img
 

Theo đó, cùng với tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ngư dân tiếp cận và được hỗ trợ về vốn và vay vốn, tôi và Ban chấp hành sẽ phối hợp với chính quyền và các đoàn thể trong tỉnh vận động ngư dân tham gia và mở rộng các mô hình đoàn kết như: Tổ, đội, nhóm... đánh bắt trên biển; thành lập các nghiệp đoàn nghề cá nhằm tăng cường sức mạnh, sự hỗ trợ lẫn nhau của ngư dân trong quá trình khai thác trên biển; khuyến khích ngư dân đóng mới, cải hoán nâng cao công suất phương tiện vươn ra đánh bắt ngoài khơi xa, nhất là tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa nhằm tăng thu nhập cho gia đình, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

img
Các hội viên nông dân kỳ vọng rất lớn các thủ lĩnh hội nhiệm kỳ mới này.

Chúng tôi phối hợp với các cấp ngành chức năng triển khai và thực hiện tốt việc hỗ trợ nhiên liệu, bảo hiểm thuyền viên, thân tàu cho ngư dân; thường xuyên theo dõi để nắm bắt các trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xua đuổi trái phép...

Cùng với đó, Hội sẽ tăng cường tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản để nâng cao nhận thức trong bảo vệ môi trường sinh thái biển, đảo; tác hại khi sử dụng thuốc nổ để đánh bắt; tổ chức các dịch vụ hỗ trợ tư vấn về pháp lý, vay vốn; mở các lớp, buổi tuyên truyền về việc thực hiện những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước... cho ngư dân.

Triển khai và đưa vào ứng dụng những mô hình mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật, khuyến khích ND nuôi trồng thủy, hải sản... cũng là những nội dung tôi chú trọng chỉ đạo nhằm góp phần đưa kinh tế biển Quảng Ngãi phát triển xứng tầm với tiềm năng.

Ông Nguyễn Phú Ban - Chủ tịch Hội nông dân TP.Đà Nẵng: Tập hợp ngư dân vào tổ hợp tác

Nhiệm vụ tôi là ưu tiên trong nhiệm kỳ này là chủ động phối hợp với các ngành liên quan thực hiện quyết liệt Chương trình xây dựng NTM và tập hợp ngư dân tham gia các tổ hợp tác, liên kết phát triển kinh tế biển.

img
 

Thực hiện mục tiêu của thành phố: Đến năm 2015 có 65% xã đạt chuẩn NTM, Thành hội phát động các phong trào Hội ND đứng ra đảm nhiệm thi công xây dựng cơ sở hạ tầng; sửa chữa, nâng cấp nhà cho gia đình chính sách, gia đình ND khó khăn; đồng thời huy động nhiều nguồn lực đầu tư cho sản xuất, hình thành các tổ chức sản xuất ở nông thôn; vận động ND dồn điền đổi thửa để sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa...

Với nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, chúng tôi vận động và tập hợp 100% ngư dân tham gia các tổ hợp tác để liên kết phát triển kinh tế biển. Trước tình hình an ninh trên biển có nhiều diễn biến phức tạp, lại thêm do biến đổi khí hậu toàn cầu, thời tiết thất thường, nghề biển có rủi ro, bất trắc, Hội đẩy mạnh thành lập các tổ khai thác hải sản trên biển, nhằm giúp ngư dân đoàn kết, tương trợ nhau để khai thác hải sản hiệu quả và cứu hộ, cứu nạn khi gặp rủi ro trong sản xuất.

Những tổ đội sản xuất này cũng là tai mắt cho cơ quan chức năng trong bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển. Đồng thời, động viên ngư dân vào tổ khai thác. Hội sẽ định hướng, tư vấn cho các tổ đội lịch trình sinh hoạt cũng như thời gian liên lạc qua lại với nhau cả trên bờ cũng như trên biển để chia sẻ luồng cá, hỗ trợ nhiên liệu, cung cấp thông tin giá cá, giúp nhau lúc khó khăn thiên tai, tàu lạ.

Bên cạnh đó, Hội kiến nghị cơ quan chức năng triển khai nhiều hơn các chương trình khuyến ngư hỗ trợ ngư dân; hỗ trợ mô hình điện năng lượng mặt trời sử dụng trên tàu cá đánh bắt xa bờ; giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm; đồng thời đề nghị UBND thành phố giải quyết nguồn vốn (theo Quyết định 7068) cho ngư dân vay vốn ưu đãi để đóng mới tàu thuyền công suất lớn đánh bắt xa bờ.

Để giúp ND xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững; Thành hội chọn 1 quận, huyện; mỗi quận, huyện chọn 1 xã, phường; mỗi xã, phường chọn 1 chi hoặc tổ hội để giúp đỡ...

Ông Trịnh Thế Khiết - Chủ tịch Hội nông dân thành phố Hà Nội: Hỗ trợ làm nông nghiệp hiện đại

Hà Nội sau mở rộng, diện tích, số hộ, lượng lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn rất lớn. Đây vừa là tiềm năng, lợi thế nhưng cũng là thách thức đối với việc phát triển thủ đô bền vững. Hà Nội có lợi thế như đất đai màu mỡ, nguồn nhân lực dồi dào, sản phẩm phong phú, đa dạng, thị trường tiêu thụ rộng lớn, tập trung cán bộ khoa học kỹ thuật, trung tâm nghiên cứu…Thách thức lớn nhất là làm sao để phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn bền vững theo hướng hiện đại.

img
 

Nhiệm kỳ 2013-2018, việc tôi ưu tiên chỉ đạo Hội ND thành phố là tập trung vào các hoạt động hỗ trợ hội viên, ND phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Yếu tố thuận lợi để các cấp hội làm việc này là những năm qua, Thành ủy, UBND đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM…

Quỹ HTND thành phố hiện có hơn 360 tỷ đồng và sẽ tiếp tục được bổ sung trong những năm tới. Đây là nguồn lực quan trọng để Hội chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án để hỗ trợ ND về vốn. Tuyên truyền, vận động hội viên, ND tiếp tục dồn đổi ruộng đất, hình thành, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh theo quy hoạch phát triển nông nghiệp thành phố.

Hội sẽ chủ động, tích cực hơn trong việc trực tiếp tổ chức hoặc phối hợp tham gia tổ chức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên, ND; xây dựng các mô hình sản xuất tiên tiến, điển hình để hội viên tham quan, học tập và nhân rộng. Công tác dạy nghề, chuyển nghề cho hội viên, ND, nhất là ở những địa phương đô thị hóa cao, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp cũng được chú trọng hơn...

Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Hội nông dân An Giang: Cố gắng làm chỗ dựa cho nông dân

Hiện nay, đời sống của đại bộ phận ND An Giang vẫn còn nhiều khó khăn. Mặc dù là người giữ vai trò đảm bảo an ninh lương thực nước nhà, nhưng ND vẫn chịu nhiều rủi ro và dễ bị tổn thương nhất. Với trách nhiệm của mình, tôi sẽ cùng với Ban chấp hành khóa VIII đoàn kết, thống nhất, cộng đồng trách nhiệm, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt để tham mưu kịp thời với cấp ủy; động viên khai thác tiềm năng, sức mạnh, trí tuệ của ND; giúp ND nêu cao ý chí tự lực tự cường, không cam chịu đói nghèo, nỗ lực làm giàu cho gia đình và xã hội...

img
 

Với trách nhiệm của mình, tôi sẽ cùng với Ban chấp hành xây dựng đội ngũ cán bộ hội “gần gũi để dân thương, gương mẫu để dân trọng, năng động để dân nhờ”. Tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng: Mỗi cán bộ hội phải là chỗ dựa gần gũi nhất của hội viên ND; có uy tín với ND và nhiệt huyết với phong trào; trực tiếp chia sẻ và giải tỏa bớt khó khăn cho ND; lấy lợi ích chính đáng của ND làm động lực; lấy hiệu quả cuộc sống vật chất và tinh thần của ND làm thước đo, lấy tiến bộ phát triển ở nông thôn làm nền tảng để xây dựng Hội vững mạnh...

Ông Rơ Mah Giáp - Chủ tịch Hội nông dân Gia Lai: Sẽ nâng cao chất lượng hội viên

Trước nay mọi người vẫn quan niệm "cán bộ nào phong trào ấy". Khẳng định vai trò đầu tàu của cán bộ là rất đúng nhưng theo tôi nói như vậy là chưa coi trọng vai trò của hội viên. Có lẽ vì quan niệm này mà việc kết nạp hội viên của các cấp hội thời gian qua khá dễ dãi.

img
 

Hậu quả là một số cấp hội nhiệm kỳ qua phong trào còn yếu mà nguyên nhân chưa hẳn là đã do cán bộ lãnh đạo hạn chế năng lực. Chất lượng hội viên, chất lượng cán bộ hội là rường cột chính để mái nhà chung của Hội vững chắc.

Vì thế, Hội ND tỉnh sẽ chỉ đạo các cấp hội cơ sở làm tốt công tác giáo dục tuyên truyền, sao cho các hội viên nhận thức rõ gia nhập Hội quyền lợi phải gắn với nghĩa vụ xây dựng hội; ưu tiên kết nạp những hội viên làm ăn giỏi, có trình độ văn hóa, nhận thức chính trị tốt, tâm huyết với phong trào hội. Song song đó là sử dụng công cụ khen thưởng để làm đòn bẩy.

Khen thưởng đồng thời phải đi đôi với phê bình- thậm chí là kỷ luật nghiêm túc những hội viên vi phạm điều lệ hội. Làm tốt công tác hội viên, tôi tin chắc phong trào ND Gia Lai trong nhiệm kỳ tới sẽ phát huy hơn nhiều lần những thành tích đạt được.

Ông Hoàng Sương - Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Sơn La: Tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân

Tại Đại hội đại biểu Hội ND tỉnh nhiệm kỳ 2013-2018, tôi và các đồng chí trong Ban chấp hành khoá mới hứa cùng nhau đoàn kết, đổi mới, xây dựng tổ chức Hội ND vững mạnh, xứng đáng là trung tâm nòng cốt trong phong trào ND và công cuộc xây dựng NTM; góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng tỉnh Sơn La ngày càng giàu đẹp, văn minh".

img
 

Sơn La là tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn với hơn 178.000 hộ ND, chiếm 86% số hộ toàn tỉnh. Sơn La có 12 dân tộc anh em sinh sống. Trình độ dân trí của nhiều ND còn hạn chế; cơ sở hạ tầng dành cho tam nông chưa đáp ứng được yêu cầu… Mục tiêu xoá đói-giảm nghèo, làm giàu chính đáng, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng trong “tam nông” đang được đặt ra ngày càng cấp bách. Đó cũng là nhiệm vụ của tập thể Ban chấp hành Hội ND tỉnh nhiệm kỳ 2013-2018 và cũng là của cá nhân tôi.

Ngay sau đại hội, tôi cùng với Ban chấp hành bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ với sự tận tâm, tận lực, hứng khởi và sáng tạo. Hội vừa chủ động thực hiện, vừa tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành để hỗ trợ, trợ giúp ND phát triển sản xuất, xoá đói nghèo, làm giàu chính đáng. Ngay trong tháng 3 vừa qua, trên cơ sở nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, ND đang khó khăn về vốn, giống, phân bón để sản xuất vụ xuân hè, Hội đã phối hợp với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cung ứng kịp thời hơn 1.277 tấn phân bón, trên 63,5 tấn giống lúa, ngô…

Số giống và phân bón này không chỉ được cung ứng đến tận tay nông dân, đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý mà còn được thanh toán theo hình thức trả chậm-khi thu hoạch cây trồng mới phải trả tiền cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hội đã khảo sát nhu cầu của ND để xây dựng kế hoạch mở các lớp dạy nghề, tổ chức tập huấn khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… theo phương châm số lượng đi cùng chất lượng, quyết tâm trao cho ND những điều kiện thuận lợi nhất khi bước vào vụ sản xuất đầu tiên năm 2013 và những năm tiếp theo...

Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội nông dân Quảng Nam: Trả lời các câu hỏi nóng bỏng của cuộc sống

Có rất nhiều việc cần thiết mà Ban chấp hành Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ mới phải làm, nhưng cá nhân tôi thấy cần tập trung ưu tiên làm trước, đó là huy động sức mạnh cả hệ thống hội vào việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác và hợp tác xã; đẩy mạnh các loại hình dịch vụ: Phân bón, thuốc trừ sâu, cây, con giống, tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào trong sản xuất, chăn nuôi để giúp nhà nông nâng cao hiệu quả sản xuất.

img
 

Bên cạnh đó, Hội sẽ mở rộng các kênh tìm kiếm thị trường, kết nối với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Lâu nay, nông sản luôn trong tình trạng được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa, người nông dân luôn luôn bị thiệt.

Việc đẩy mạnh các loại hình kinh tế hợp tác của Hội sẽ giúp làm bà đỡ cho nông dân cả về nguyên liệu đầu vào và cả đầu ra cho sản phẩm. Hội sẽ làm vai trò kết nối cung cầu, dự báo tình tình, cung cấp thông tin cho nông dân về thị trường, sản phẩm nào đang được giá, sản phẩm nào ế ẩm, ở đâu có thể tiêu thụ món sản phẩm của nông dân được giá nhất... Đó là cách Hội giúp giảm thiểu thiệt hại cho nông dân; giúp nông dân chủ động sản xuất, tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hội cùng với các cơ quan chức năng vận động nông dân sản xuất chuyên canh, tập trung, sản xuất theo những cánh đồng mẫu lớn để dễ dàng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo ra sản phẩm hàng hóa, xây dựng thương hiệu hàng hóa để dễ dàng tiêu thụ sản phẩm và nâng cao được giá trị sản phẩm.

Đồng thời, Hội tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất. Như kêu gọi, huy động các nguồn vốn để phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân; đẩy mạnh liên kết, phối hợp với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp tiếp cận vay vốn đầu tư sản xuất.

Tóm lại, điều mà tôi quan tâm nhất bây giờ và sẽ triển khai làm sớm nhất đó là trả lời cho được các câu hỏi rất nóng bỏng của nông dân hiện nay: Làm cái gì, làm như thế nào, vốn đâu mà làm, làm ra tiêu thụ ở đâu?