Dân Việt

Nông dân với nghề nguy hiểm - Mưu sinh bên cạnh tử thần

01/05/2013 06:44 GMT+7
(Dân Việt) - Làm nông không đủ sống, người nông dân phải đi làm đủ thứ nghề khác để kiếm thêm thu nhập. Tay nghề không có nên bất kể công việc nào làm được là người dân làm dù nguy hiểm đến đâu.

Leo giàn giáo, nổ mìn phá đá, lặn biển... là những nghề được xếp vào hàng “đệ nhất nguy hiểm”. Nhiều nông dân ở Hải Phòng đã mất mạng vì nghề, nhưng sau đó, sự an toàn của nghề vẫn chẳng ai đoái hoài.

img
Lao động chờ việc. Ảnh minh họa.

Hiểm họa rình rập

Hải Phòng hiện có hàng trăm nhóm thợ xây lớn nhỏ. Những người thợ này là những nông dân tranh thủ lúc thời gian rảnh rỗi của mùa vụ để mang bay, bàn xoa... đi làm thợ xây và phần lớn là nam giới, một lượng nhỏ nữ giới tham gia vào công việc phụ hồ.

Thợ xây tự do lao động ở bất cứ điều kiện thời tiết nào, dù trời mùa hè nắng nóng bỏng rát hay trời mùa đông lạnh cắt da, cắt thịt. Ở nhiều công trình xây dựng cao tầng, hầu hết thợ xây không có dây an toàn, không mũ bảo hộ lao động, đứng chênh vênh trên tấm ván bắc qua giàn giáo. Vì thế tai nạn xảy ra thường xuyên.

Mới đây nhất, người dân ở phường Đồng Hòa (quận Kiến An, Hải Phòng) bàng hoàng vì cái chết của 2 anh em ruột thợ xây Bùi Đức Mạnh, Bùi Đức Cảnh. Trong lần thi công đổ bê tông mái tầng 2 của một nhà ở trên phố, do giàn giáo chống đỡ yếu, trong khi anh Mạnh, anh Cảnh đứng trên giàn giáo không có dây an toàn. Khi giàn đổ, 2 anh rơi xuống đất, tử vong.

Còn trường hợp anh Đoàn Duy Long ở Mỹ Khê Đông, cũng ở phường Đồng Hòa, quận Kiến An (sinh năm 1983) trong quá trình làm nghề xây tự do cũng bị ngã giàn giáo, hiện phải nằm liệt giường. Vợ anh Long cũng không có nghề ngiệp ổn định, hiện làm công việc phụ vữa. Chi tiêu hàng ngày cho gia đình có con nhỏ, chồng nằm liệt giờ đây chỉ trông vào khoản thu nhập của vợ anh Long.

Nhiều nông dân ở xã An Thọ, An Lão, Hải Phòng làm nghề thợ lặn cũng nguy hiểm không kém. Công việc của người lặn biển ở đây đủ loại, như lặn mò tìm phế liệu, trục vớt tàu xuồng đắm, xây dựng công trình ngầm, khai thác hải sản... Những người thợ lặn này tìm ra tận khu cảng Hải Phòng và Vân Đồn, Quảng Ninh để làm nghề. Ai có tiền thuê là những người làm nghề lặn biển làm ngay, bất kể công việc đó nặng nhọc hay nguy hiểm. Thợ lặn nghiệp dư rất khổ cực, công việc khá bấp bênh.

Anh Nguyễn Trọng Khải (32 tuổi), ở xã An Thọ cho biết, có hôm lặn xuống nước sâu vài chục mét, khi lên bờ thấy đau ê ẩm ở các bắp thịt, khớp xương, có khi chóng mặt, mắt hoa. Anh kể: “Vì làm nghề tự do nên không được doanh nghiệp thuê mua bảo hiểm tai nạn rủi ro và bảo hộ nên chúng tôi rất thiệt thòi. Một lần lặn ở độ sâu 30m, tôi đã bị mắc bệnh giảm áp nên vận động rất khó khăn, không đứng được, không có cảm giác đau từ rốn trở xuống, đại tiểu tiện không tự chủ, đau đầu”.

Nguy hiểm... nhưng vẫn chủ quan

Những nghề lao động tự do không đòi hỏi bằng cấp, dễ gia nhập nên con số tham gia vào những nghề này ngày một tăng, từ thanh niên cho đến trung niên, phụ nữ chân yếu tay mềm đều có cả. Ông Nguyễn Văn Nguyên, trú ở xã Đồng Thái, huyện An Dương, hiện nay đã gần 60 tuổi vẫn tranh thủ xin đi xây cùng đứa cháu họ. Ông Nguyên cho biết: “Hầu hết tại các công trình tư là người làm tự do, chủ thầu họ chỉ thuê mình xây, còn các thứ khác liên quan tới bảo hộ an toàn lao động như mũ bảo hộ, dây an toàn... là không có. Bản thân người lao động làm vất vả mới có được đồng lương nên việc tự trang bị cũng ít”.

Ngay cả nghề thợ lặn nguy hiểm là thế, những người thợ cũng chỉ sử dụng dụng cụ tự tạo. Dụng cụ hỗ trợ cho thợ lặn nghiệp dư khi làm việc chỉ là chiếc máy nén khí cùng với sợi dây truyền khí được người lặn ngậm vào miệng. Có khi máy nén khí được tận dụng, cải tiến từ các máy nén khí của xe ô-tô Zil-130, không bảo đảm tiêu chuẩn và không ai xác định, kiểm soát được lượng khí của các máy tự tạo này.

“Những nông dân tranh thủ thời gian nông nhàn đi làm nghề tự do có tâm lý chỉ thích kiếm được tiền nhanh, không mặn mà với việc được đào tạo bài bản qua trường, lớp tổ chức để được cấp chứng chỉ nghề. Nếu có học, họ cũng ít để ý tới bài giảng về an toàn lao động”.

Trao đổi với phóng viên NTNN về việc bảo vệ nông dân tránh tai nạn lao động khi chuyển đổi sang làm nghề tự do, ông Phạm Xuân Lương - Chủ tịch Hội Nông dân Hải Phòng cho biết:

“Khi làm công tác tuyên truyền cho nông dân về vấn đề an toàn lao động phải tránh mùa vụ vì thời điểm đó họ tập trung cho sản xuất.

Nhưng đến khi nông nhàn thì họ lại tranh thủ đi làm thêm nên việc gặp gỡ bà con là rất khó. Thêm vào đó là việc bảo hộ lao động ở nghề tự do bị buông lỏng. Các chủ tư nhân khi sử dụng lao động đều muốn giảm chi phí đến mức tối đa.

Bản thân người lao động tự do cũng chưa nhận thức hết được việc bảo vệ bản thân và họ cũng yếu thế, không dám đòi hỏi. Vì sợ nếu đòi hỏi, bản thân sẽ bị sa thải, mất thu nhập nên họ cứ ngậm ngùi chấp nhận điều kiện lao động khắc nghiệt”.

Ông Ninh Văn Dũng-Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cũng bày tỏ: “Thực tế, kinh phí để thực hiện các cuộc tập huấn về an toàn lao động cho lao động nông nhàn, tự do là chưa có. Đội ngũ thanh tra về vấn đề an toàn lao động cũng chỉ thanh, kiểm tra ở các doanh nghiệp, công ty trong danh mục quản lý hành chính. Những chủ đầu tư hoặc xưởng sản xuất tư nhân vấn đề về an toàn lao động vẫn bị bỏ sót.