“Tôi nhiều lần khuyên anh ấy nghỉ làm trưởng thôn đi, năm nay đã bước sang tuổi 60 rồi cần nghỉ ngơi, dành thời gian cho vợ con. Thế nhưng tính anh ấy cả nể, thấy bà con tín nhiệm nên vẫn tận tình để rồi suốt ngày tất bật”- bà Hoàng Thị Hà nói như trách về chồng là Nguyễn Thành Hưng (SN 1953) - Trưởng thôn Phù Khê, xã Phù Khê, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.
Sự đổi thay kỳ diệu
Có thể nói cuộc đời của con người đặc biệt Nguyễn Thành Hưng được chia thành 2 giai đoạn. Từ khi là cậu thanh niên 17 tuổi đến 42 tuổi, cuộc đời ông Hưng được gói gọn trong 2 từ “tội lỗi”. Tốt nghiệp lớp 9, ông Hưng học Trung cấp Sư phạm Bắc Ninh. Cuộc sống xa nhà khiến ông nhanh chóng bị bạn bè xấu lôi kéo vào tệ nạn và sa ngã.
Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng. |
Thay vì dành thời gian lên giảng đường, ông Hưng suốt ngày tham gia vào các vụ trộm cắp, cái tên Hưng “sóc” nổi dần và làm chấn động giới giang hồ Kinh Bắc khi đó. Dưới tay Hưng “sóc” luôn là đám đàn em đi thực hiện các phi vụ từ Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh... Từ năm 1970 – 1973, Hưng “sóc” phải vào trại cải tạo vì tội trộm cắp.
Ra tù được 2 năm, Hưng “sóc” tiếp tục tái phạm tội cũ và phải ngồi tù đến năm 1984. Cuộc sống nhà tù với ông Hưng vẫn chưa dừng lại, đến năm 1985, ông lại bị kết án 10 năm tù vẫn tội trộm cắp. “3 lần ngồi tù khiến tôi rất thấm thía. Những ngày cuối được mãn hạn, tôi suy nghĩ nhiều lắm. Bạn bè cùng trang lứa đã ổn định, con cái đề huề mà mình vẫn ngụp lặn trong tù tội, cần phải thay đổi” – ông Hưng kể.
Những ngày trở về địa phương, ông Hưng vẫn chưa biết làm gì để bắt đầu xây dựng lại cuộc sống mới. Biết đại ca trở về, nhóm những đàn em cũ tiếp tục đến lôi kéo nhưng ông Hưng nhất mực từ chối, quyết tâm đoạn tuyệt với tội lỗi.
Để kìm hãm “con ngựa bất kham”, người nhà ông Hưng đã bàn cách tìm vợ cho ông. “Cô Hà - vợ tôi là người cùng xã, thôn Hương Mạc, cô ấy kém tôi gần chục tuổi cũng từng đổ vỡ trong chuyện gia đình. Được người nhà giới thiệu, chúng tôi cảm thấy hợp nhau nên đã tổ chức cưới sau hơn một tháng tìm hiểu”- ông Hưng cười nói.
“Lúc sắp lấy anh Hưng, xóm làng cũng nói tôi nhiều lắm. Ai cũng bảo một người với quá khứ như vậy liệu có tái phạm để tôi phải thêm một lần bất hạnh nữa. Bản thân cũng thấy hoang mang lắm nhưng trong tôi có niềm tin rằng anh ấy sẽ thay đổi”- bà Hà cho biết. Chính niềm tin đã vượt qua sự dao động để bà đến với ông Hưng, tạo bước ngoặt giúp ông thay đổi xóa dần đi quá khứ đen tối.
“Làm lãnh đạo phải được dân tin yêu”
Từ nhiều năm nay không chỉ người dân thôn Phù Khê mà cả các thôn lân cận đã quen với hình ảnh một người đàn ông dáng người cao gầy suốt ngày đi quanh làng. Chỗ này lộn xộn, rác rưởi, ông dừng lại nhắc nhở, chỗ kia to tiếng, ông lập tức can ngăn. Khi ông đi rồi mọi người đều nở nụ cười trìu mến. Vừa dừng xe ở đầu thôn định hỏi thăm về nhà ông Hưng, tôi bỗng thấy 2 người phụ nữ với đống gỗ ven đường lên tiếng:
- Bác Hưng ơi đừng đuổi chúng em nhé, cho chúng em kiếm cơm ở đây với.
- Ai đuổi các cô làm gì, tôi chỉ nhắc đừng bày bừa lộn xộn ảnh hưởng đến giao thông đi lại của bà con và mất mỹ quan thôn xóm. Các cô từ nơi khác về làm ăn có gì khó khăn, vướng mắc cứ gọi tôi.
Thấy tôi bắt chuyện, ông Hưng cười xòa: “Làm lãnh đạo to hay nhỏ, phải được bà con tin yêu, thần tượng thì mới được việc”. Có lẽ triết lý đó đã giúp ông kéo dài thời gian làm trưởng thôn tới 4 nhiệm kỳ (mỗi nhiệm kỳ 2 năm rưỡi – PV).
Trong căn nhà cấp 4 có phần lụp xụp, nhưng trên tường có đến gần 30 tấm bằng khen, của tỉnh, thị xã, xã tặng ông vì thành tích làm tốt công tác xã hội. Ông Hưng cười bảo: Tiền còn phải để đầu tư vào công ty mở rộng sản xuất tạo việc làm cho anh em trước đã. Nhớ lại ngày mới lập gia đình, kinh tế gia đình gặp muôn vàn khó khăn, ông theo bạn bè đi buôn gỗ, buôn quế bán sang Trung Quốc.
Thế nhưng thiếu kinh nghiệm nên ông toàn gặp thất bại, vốn liếng tan theo mây khói. Trong lúc bế tắc, ông được những người bạn ra tay nghĩa hiệp cho vay vốn để làm lại từ đầu.
“Nhờ đồng vốn đó tôi đã thành công với nghề gỗ mỹ nghệ, năm 2012, tôi cho thành lập Công ty TNHH Thành Hưng. Xưởng sản xuất có 20 -25 công nhân, trong số này cũng có một số anh đã từng lầm lỡ, một số anh em hết nghĩa vụ quân sự trở về” – ông Hưng cho biết.
Trở lại việc năm 2004, ông Hưng được bầu làm trưởng thôn, theo các cụ già trong làng thì bản thân ông là một tấm gương, sống chan hòa được dân làng quý mến. Ngày đó làm việc thôn xóm luôn phải đối mặt với sự phức tạp của tệ nạn, an ninh trật tự nên nhiều người thấy ngại.
"Có lẽ dân làng chọn tôi nhằm “lấy độc trị độc” nên năm đó tôi trúng trưởng thôn với số phiếu rất cao. Khi bắt tay vào việc xã hội, vợ động viên nhiều, nhưng cô ấy bảo chỉ làm một kỳ thôi” – ông Hưng nói.
Không chỉ làm tốt việc xóa bỏ tệ nạn, góp phần đảm bảo an ninh địa phương, ông Hưng còn có nhiều đóng góp khác như tổ chức xây chùa Hồng Ân cho người dân địa phương, tổ chức dãn dân để mở rộng làm nghề phát triển sản xuất...
Dẫn tôi tham quan một vòng chợ gỗ Phù Khê, nơi mà ông đã dành bao tâm huyết để góp công xây dựng nên để bà con có nơi tập trung kinh doanh buôn bán, tránh việc tự phát gây lộn xộn mất trật tự khu vực. “Chợ vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp nên tôi chưa thấy yên tâm. Tôi sẽ cố gắng đóng góp sức lực còn lại để khỏi phụ tấm lòng của bà con” – ông Hưng tâm sự.
Trước khi rời Phù Khê, tôi đi gặp một số người dân để được nghe họ nói về tình cảm của mình dành cho ông trưởng thôn. Một cụ già đưa tôi ra ven làng rồi chỉ tấm biển trên đường và nói “anh đọc qua sẽ hiểu tình cảm người dân chúng tôi với ông Hưng thế nào” – tấm biển ghi dòng chữ: “Nhân dân thôn Thượng ghi nhận công lao của Trưởng thôn Nguyễn Thành Hưng”.
Lương Kết