Thụ tinh nhân tạo là giải pháp cho nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Ảnh: H.P. |
"Điều đáng lo ngại là tỷ lệ hiếm muộn, vô sinh có xu hướng ngày càng tăng do ô nhiễm môi trường, chất độc hại trong thức ăn, lối sống không lành mạnh như: quan hệ tình dục bừa bãi, lạm dụng các chất kích thích, kết hôn quá muộn", Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết tại hội thảo những vướng mắc trong điều trị vô sinh mới được tổ chức gần đây.
Tiến sĩ Tiến cho biết, để điều trị hiếm muộn và vô sinh hiệu quả, điều quan trọng là phải xác định thủ phạm gây bệnh, người bệnh kiên trì, tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ. Trên thực tế, nhiều vợ chồng phải thực hiện phối hợp nhiều kỹ thuật mới có thể có con.
Hiện nay, Việt Nam hầu như đã áp dụng được hết các kỹ thuật tiên tiến trong điều trị hiếm muộn và vô sinh trên thế giới. Tuy nhiên, tỷ lệ thành công mới chỉ đạt 30-35%.
Một điều gây khó khăn trong việc điều trị hiếm muộn là không rõ nguyên nhân, chiếm đến 10% những cặp vợ chồng bị vô sinh. Về phía người vợ, có thể vì phóng noãn không đều hằng tháng, vì thế khả năng tinh trùng thâm nhập khó khăn hơn. Bên cạnh đó, có thể cơ thể người vợ có kháng thể kháng lại tinh trùng, niêm mạc tử cung không tạo điều kiện cho phôi làm tổ và phát triển.
Còn người chồng, có thể do tinh trùng hơi yếu hoặc tần xuất quan hệ thưa, số lượng tinh trùng ít hơn một chút so với người bình thường.
Các bác sĩ khuyến cáo, nếu tuổi còn trẻ thì vợ chồng nên bình tĩnh chờ đợi, nhưng nếu đã có tuổi (ngoài 30) thì nên tính đến làm thụ tinh trong ống nghiệm. Lý do là từ 33 tuổi trở lên, khả năng có con sẽ giảm xuống. Tùy từng trường hợp cụ thể nhưng thường một lần thụ tinh trong ống nghiệm, chỉ 30-35% là thành công. Có nhiều cặp vợ chồng phải làm đến hai, ba lần... mới thành công.
Bên cạnh đó, việc thụ thai cũng chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thần kinh. Công việc căng thẳng có thể ảnh hưởng đến lượng tinh trùng, hoạt động của buồng trứng.