Nhà tôi đủ sống
Sau khi kết thúc cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010 với vị trí top 5 người đẹp nhất và danh hiệu Hoa hậu Biển, có khá nhiều tin đồn về cuộc sống, gia đình của Loan.
Nào là nhà cô nghèo đến mức khi Loan bỏ đội bóng chuyền của Bộ Tư lệnh thông tin để thi vào Đại học Thương mại, bố mẹ cô cũng phải bỏ đất đai ruộng vườn ở quê để theo cô lên Hà Nội làm lụng lấy tiền nuôi cô ăn học. Nào là cũng vì nhà cô quá nghèo nên phải đi thi hoa hậu như một cách để “đổi đời”, vân vân và vân vân.
Nguyễn Thị Loan trong phần thi Người đẹp Biển tại cuộc thi Hoa hậu VN 2010. |
Khi những tin đồn ấy đến tai Loan, cô thoáng buồn một chút rồi kể: “Đúng là bố tôi đã lên Hà Nội và ổn định công việc. Bố tôi làm bảo vệ ở Công ty Havinco. Còn mẹ vẫn ở nhà. Nếu nói gia đình tôi nghèo thì quá bi quan, mặc dù giàu có thì cũng không đúng. Bố mẹ tôi đều làm nông nghiệp, nhưng do biết tính toán nên chưa bao giờ bố mẹ để chúng tôi thiệt thòi so với bạn bè cùng lứa”.
Từ khi từ giã đời sống của một vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp, Loan dành hết tâm trí cho việc ôn thi vào đại học cùng với sự giúp đỡ của một người bạn. Cô đã từng đi làm gia sư năm thứ nhất, nhưng rồi sau đó thì không tham gia nữa vì muốn dành thời gian cho việc học nhiều hơn. Cho đến giờ, thành tích đỗ vào đại học chính quy trong khi chỉ được học bổ túc văn hoá vẫn là một niềm tự hào của cô gái này.
Nhìn lại để tiến lên
Cho đến giờ, màn thi ứng xử trong cuộc thi Hoa hậu VN 2010 vẫn là một nỗi buồn lớn của Loan. Cô tâm sự: “Ở giây phút đó tôi đã không chiến thắng được mình. Tôi không tự tin và thấy mình có những điểm yếu.
Giọng nói mang âm sắc địa phương và ngọng chữ “L” đã tạo áp lực lớn khi tôi bước lên bục trả lời câu hỏi. Và chính vì sự lo lắng làm thế nào để khắc phục được điều đó càng làm cho lỗi đó thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Bình thường tôi nghĩ mình không ngọng tới mức ấy”.
Có một điều không nhiều người biết là như thường lệ, đằng sau các người đẹp sáng giá tại các cuộc thi nhan sắc bao giờ cũng “lấp ló” một vài “đại gia” tài trợ cho những trang phục trị giá ít nhất hàng vài chục triệu.
Còn Loan, “đại gia” của cô chính là gia đình gồm bố mẹ, cô chú và các chị em họ. Thật khó khăn để một gia đình làm nông nghiệp đầu tư một khoản lớn bằng cả một gia tài cho con gái đi thi nhan sắc, nhưng bố mẹ Loan đã tạo điều kiện tốt nhất cho cô đi thi, và cô thực sự biết ơn bố mẹ rất nhiều.
Sau cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010, cuộc sống của Loan đã có rất nhiều thay đổi mà cô tự thú nhận là “đã có những cái nhìn khác hơn, sâu sắc hơn về cuộc sống”. Ví như chiều cao 1m74 “quá khổ” trước đây làm Loan khổ sở, ngại ngần khi tiếp xúc bạn bè thì giờ nó lại là lợi thế. Loan ngẫm ra rằng, chiều cao không ngăn cản con người đến với nhau, yêu thương nhau, chỉ có hạn chế tri thức mới là khoảng cách đáng sợ.
Chia sẻ trái tim
Danh hiệu “Hoa hậu Biển” đã đem đến cho Nguyễn Thị Loan cơ hội để nhìn lại mình và cô cảm thấy cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn nhiều nếu như chung tay chia sẻ với những hoàn cảnh đáng thương. Trung thu vừa rồi, cô lại tất bật với bao hoạt động, tổ chức chương trình “Ánh trăng ước mơ” trong chuỗi chương trình “Lên Ba Vì - Gửi gắm yêu thương” tại Trung tâm Phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật Thụy An.
Ngoài ra cô còn tham gia chuỗi chương trình “Ngày Chủ nhật Cam”, tiến tới thực hiện chương trình “Hành trình Cam xuyên Việt” nhằm kêu gọi ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam và gây quỹ giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Loan kể: “Thật ra, không chỉ riêng cá nhân tôi mà tất cả các bạn trong Trường Đại học Thương mại đều tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội và chúng tôi đang tập hợp nhau lại để hình thành CLB thiện nguyện “Smiling Heart” (Trái tim mỉm cười)”...
Người đẹp quê lúa Đông Hưng (Thái Bình) đang sẵn lòng chia sẻ trái tim của mình với những mảnh đời bất hạnh, còn tình cảm riêng tư, đến giờ cô vẫn đang để ngỏ trái tim mình. Loan tâm sự rất thật lòng: “Đã có lần tôi bị bươu đầu vì chạm vào nóc cửa xe buýt. Chắc các bạn trai cũng ngại khi thấy tôi cao quá, nên giờ mình vẫn chưa tìm thấy.
Nhưng bây giờ tôi đang còn đi học, phía trước vẫn có rất nhiều dự định, mơ ước cần làm nên không chú trọng lắm đến chuyện tình cảm. Tôi hi vọng sẽ gặp người bạn trai cao hơn mình “cái đầu tri thức”, tức là anh ấy thông minh, sâu sắc, đủ để làm chỗ dựa cho tôi trong cuộc sống sau này”.
Bích Huyền