Đến Đồng Tháp Mười khi lũ không về, cả vùng châu thổ u ám trong cái đói, cái nghèo được hẹn trước. Những thú vui (cũng là nguồn sống) của mùa lũ: Bắt chuột, bắt rắn, bắt rùa, bắt cá… vắng bóng. Buồn hiu hắt. May sao, vẫn còn một nghề khả dĩ gợi cho người ta niềm vui nhàn nhạt: nghề móc ngó sen...
Ông Tư Hoàng (phải) chủ đầm sen ở ấp Hai Vụ, xã Kiến Bình, Tân Thạnh, Long An hướng dẫn việc thu hoạch ngó sen |
Dầm bùn giữa thiên đường
Đầm sen nằm trên ấp Hai Vụ, xã Kiến Bình, Tân Thạnh, Long An là một “thiên đường” trên mặt đất. Những kẻ lạ giật mình sững sờ khi đến nơi đây. Lúc ấy, mọi ao sen khác trong cả nước cũng chỉ là những cái gì nhờn nhợt được người ta cố gọi là sen một cách gượng gạo mà thôi.
Đây là đầm sen của ông Tư Hoàng nhưng ông sức khỏe kém lại có tuổi nên phải nhờ người móc ngó sen mướn đến. Vợ chồng Như Anh - Tư Loan làm nghề này cũng đã lâu năm. Theo anh Như Anh cùng vợ đi móc ngó sen trên con thuyền nhỏ lững lờ trôi trong cái khung cảnh lâng lâng ấy, tôi như ngây ngất trước hàng vạn đóa sen thơm.
Ra đến giữa đầm, cái khung cảnh Bồng Lai ấy bị phá hỏng. Muỗi dày đặc như trấu! Như Anh nhảy ào xuống nước than phiền “Năm nay lũ hổng về, ruồi muỗi quá trời. Bây giờ trời sớm, chúng đang bị ướt cánh vì sương đêm còn chưa ra hết. Anh đừng có xuống, muỗi Đồng Tháp Mười đốt chết người đó”.
Rồi anh kể chuyện ngày xưa, nhiều người đã phát điên vì muỗi. Những tên hội đồng, chủ ruộng tàn ác trừng trị tá điền bằng cách cởi trần truồng họ ra rồi trói lại vứt ra cho muỗi mùa lũ cạn đốt, sau dăm ngày nhiều người đã phát điên vì muỗi chui sâu vào tận trong lỗ tai, lỗ mũi mà hút máu.
Bắt đầu móc ngó sen, lũ cạn cũng có cái hay, mọi năm nước đến cổ, nay chỉ ngang thắt lưng. Rờ rẫm, mặt đần ra, mọi tâm trí dồn hết vào mấy ngón chân, khi chân dò được đúng một ngó sen nào đó mặt thoáng tươi ra chút đỉnh rồi ngồi xuống, nước ngập ngang mặt rồi khẽ kéo cọng sen lên, phải nhấc từ từ, làm vội, cọng sen đứt là công toi. Rờ rẫm, ngồi xuống, từ từ đứng lên rồi lại rờ rẫm, ngồi xuống, từ từ đứng lên… cái vũ điệu tẻ ngắt ấy cứ đều đều, liên tục giữa đám bùn lầy sặc mùi hôi thối, đặc trưng của các đầm lầy mùa lũ cạn.
Thấy tôi ngán ngẩm giữa cái “thiên đường” giả tạo, sặc sụa mùi bùn ấy, Như Anh bảo: “Thôi anh về trước đi, cầm lấy mấy cái ngó sen ngon nhất về ngâm vào nước đá, lát ăn phải biết”. Khi nắng vừa lên cao, hai vợ chồng lục tục kéo về, thấy tôi nhe nhởn bảo “Lười”, Như Anh phân trần “Hổng phải tại tụi tui lười, nắng lên muỗi đã khô cánh nên ra nhiều, chui cả vào mồm, vào mũi”. Cả buổi, hai vợ chồng móc được 19 kg sen. Sen Đồng Tháp Mười có khác, mập thù lù, dài tăm tắp, đều như duyệt binh.
Tôi tỉ mẩn ngồi đếm, 50 cọng là được một kg, 19 kg là gần một nghìn cọng, gần một nghìn lần rờ rẫm, ngồi xuống rồi từ từ đứng lên. Mỗi kg bán được 3.000 đồng, ông chủ đầm lấy 1.000 đồng, còn lại là của vợ chồng Như Anh. Nếu coi cái động tác rờ rẫm, ngồi xuống rồi từ từ đứng lên là một vũ đạo thì hai diễn viên này có cát xê vào loại “bèo” nhất...
Ông Hai Lợi xã Kiến Bình, Tân Thạnh, Long An dầm bùn móc ngó sen |
Nặng hai vai là thương lái
Phụ nữ ở đâu cũng thiệt thòi, trong khi chồng tắm rửa xong xuôi đang gọi bạn kéo lai rai vài ly đế để quên cảnh đời sầu thảm thì chị Tư Loan ra bờ kênh ngóng chờ thương lái đến mua sen. Những con đường bé tí bùn lầy nhão nhoẹt, đi xe máy một mình còn muốn ngã nên chờ thương lái đi xuồng tới mua là đầu ra duy nhất cho món hàng nông sản này.
Tới tận lúc nắng lên thẳng đứng, trong nhà mấy ông bạn của chồng mặt đỏ gay đang đờn ca từng tưng chi đó, chiếc xuồng mới tới lấy ngó sen, chị Tư Loan lúc này mới vào nhà tắm rửa, chuẩn bị cơm cho chồng.
Theo chiếc xuồng thu mua ngó sen của Năm Thiệp dọc bờ kinh rồi ra đến lộ, đầu lộ đã có dăm cái quán nhỏ căng sơ sài vài tấm nhựa. Đó là các điểm tập kết ngó sen, Năm Thiệp tấp vào một trong các hàng ấy. Bà chủ béo múp míp bảo “Hàng xuống lắm. Tao nhập 5.000 đồng/kg thôi”, Thiệp vò đầu “Hôm qua còn 5.500 đồng mà. Vậy không nói con sớm để con giảm giá mua trong kia”.
Hóa ra, nước lên - bèo lên, mọi biến đổi của thị trường cứ đổ hết lên đầu vợ chồng Như Anh - Tư Loan. Xong mớ hàng, lấy tiền, ngồi nhâm nhi cà phê, tính ra với 1,5 tấn ngó sen, giá chênh lệch 2.000 đồng/kg, trừ xăng dầu, lãi triệu bạc ngon ơ.
Tôi bảo: “Anh sướng thật, buôn bán thế này có phải thuế má gì không?”, Năm Thiệp trợn mắt “Thuế má gì cha ơi, bán buôn lẻ tẻ mà. Cả năm vụ sen được có hơn tháng hà. Dì Tư còn chưa phải thuế mà nữa là tui” - “Mấy người nông dân bán sen cho anh họ phải đóng thuế đất để trồng sen đấy. Anh không thấy bất công à?”, gã lái buôn lại một lần nữa trợn tròn mắt rồi hạ một câu ngắn gọn và chính xác đến từng ly “Ai biểu họ làm nông dân làm chi”.
Chờ đến tận đêm, tôi theo xe tải chở hàng mới bốc hàng đưa lên TP.Hồ Chí Minh. 3 giờ đêm mới đến cầu chợ Cầu Muối - TP. Hồ Chí Minh. Tiệm Nhân Nghĩa là nơi tập kết hàng. Hỏi giá bán, cu cậu lái xe gãi đầu, gãi tai: “Hổng biết! Chủ tiệm là em họ dì Tư dưới Đồng Tháp Mười, em chỉ chở hàng đi thôi”. Đến 3 giờ 45 các mối nhỏ đến lấy hàng, giá rao hàng tại Cầu Muối sáng 3 - 10 - 2010 là 17.000 đồng/ký ngó sen.
Buổi chiều ghé qua chợ Vườn Chuối, phường 4, quận 3, hỏi giá thì đã 25.000 đồng/kg ngó sen. Đã thế lại còn bị lòe bịp “Năm nay, ngó sen hiếm lắm chú ơi, dưới Đồng Tháp Mười, dân bán tới hơn 10.000 đ một kí đó”
Mà đã xong đâu, biểu chiều ra đến quán nhậu trên đường Phan Đăng Lưu, nhìn bảng giá, đĩa gỏi ngó sen (ngó sen trộn giấm đường) thấy mắt hoa lên: 60.000 đồng/đĩa. Đĩa ngó sen chừng 3 - 4 lạng. Chỉ có một trăm km thay đổi lớn thế sao? Từ người sản xuất đến người tiêu dùng mà lại có một chặng đường gian nan đến thế.
Thấy thua thiệt cho nông dân mình quá. Chỉ nhớ lời của gã lái buôn khi trước: “Ai biểu làm nông dân làm chi”.
Nam Hải