Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng |
Thưa ông, có thể nói giữa Bộ NN&PTNT và Hội Nông dân tuy có sự khác biệt về chức năng, nhiệm vụ, nhưng lại cùng có chung một mục tiêu là xây dựng giai cấp nông dân, xây dựng nông thôn phát triển. Trong những năm qua hai cơ quan đã có sự phối hợp như thế nào để thực hiện mục tiêu này?
- Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về xây dựng giai cấp nông dân trong thời kỳ mới, nhất là từ khi có Nghị quyết về vấn đề "Nông nghiệp, nông dân, nông thôn" (NQ26) năm 2008, Bộ NN&PTNT và Hội Nông dân đã có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả trên nhiều mặt.
Từ đó, chúng tôi đã đưa ra được sự đánh giá khái quát về thực trạng đời sống của người nông dân, nhận thức đúng vai trò, vị trí của người nông dân trong thời kỳ mới. Đó là kết quả lớn nhất mà 2 bên đã thực hiện được trong thời gian qua. Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam cũng đã phối hợp khá tốt trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách đến với người nông dân.
Cụ thể hai bên đã chú trọng và đi sâu vào những công việc gì?
- Nhiệm vụ lớn nhất mà chúng tôi đang thực hiện là xây dựng nông thôn. Ở nông thôn hiện nay, người nông dân vẫn đang là chủ thể, chiếm số đông. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng đã bàn bạc để lựa chọn một số việc mà Hội Nông dân sẽ tham gia.
Tôi nghĩ, hiện Hội Nông dân cũng đang chuyển dần từ hoạt động theo phong trào, hành chính sang nỗ lực đáp ứng được nguyện vọng của người nông dân, thành Hội chính trị- xã hội. Muốn như vậy, Hội không thể chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền mà phải hướng cho người nông dân làm gì, làm thế nào...
Nghị quyết 26 lấy người nông dân làm trung tâm. Sau 2 năm kể từ khi Nghị quyết ra đời, theo ông sự thay đổi lớn nhất đối với đời sống của nông dân là gì?
- Từ khi triển khai Nnghị quyết, đã có nhiều bước thay đổi quan trọng, đặc biệt là về tư duy về xây dựng Nông thôn mới. Muốn xây dựng được Nông thôn mới, phải có người nông dân mới, người nông dân đó phải am hiểu, sử dụng được kiến thức và thiết bị khoa học- kỹ thuật, ý thức, tư duy của người nông dân cũng phải thay đổi.
Điều quan trọng trong giai đoạn hiện nay là nông dân phải cùng nhau làm giàu, phát triển kinh tế, chứ không nên duy trì mãi tư duy, quan điểm theo kiểu "lá lành đùm lá rách" mãi được. Để làm được điều đó, trách nhiệm của Hội Nông dân rất lớn, bởi có nhiều việc Bộ NN&PTNT muốn làm cũng không thể làm được.
Xây dựng Nông thôn mới là sự nghiệp cách mạng của nước ta, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, trong đó vai trò của Hội Nông dân là rất quan trọng, Hội có mạng lưới hoạt động từ cơ sở, gắn bó với cơ sở, nên có rất nhiều điều kiện để tổ chức triển khai, thực hiện.
Như ông đã nói, xây dựng Nông thôn mới là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì. Có thể nói, chương trình này có thể kéo dài từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, vậy cần phải có những chính sách gì để cho sự đồng hành được liên tục, thưa ông?
- Nói là lâu dài, nhưng không thể là kéo dài mãi, như Hàn Quốc tập trung 20 năm mới làm được Nông thôn mới, Nhật Bản cũng mất hai thế hệ. Xa hơn nữa là Anh, Mỹ phải mất 70-80 năm, thậm chí 100 năm mới có được Nông thôn mới. Bây giờ, không chỉ có một mình chúng ta làm Nông thôn mới, các nước xung quanh mình cũng đang làm công việc tương tự.
Theo tôi, giữa Bộ NN&PTNT và Hội Nông dân phải có ký kết, hợp tác có hiều sâu hơn để triển khai một số công việc xây dựng Nông thôn mới. Phải kết hợp được như vậy, mới tăng sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận của các tổ chức chính trị-xã hội, đại diện giai cấp nông dân và cơ quan quản lý nhà nước. Nếu làm được điều đó, chúng ta không chỉ dừng ở sự phối hợp, mà là sự phân công từng việc giữa hai bên với nhau rất cụ thể mới có thể thực hiện được mục tiêu chung.
Học sinh truy cập Internet tại nhà văn hoá xã nông thôn mới Vị Thanh, Vị Thuỷ, Hậu Giang. |
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, muốn thực hiện được toàn diện vấn đề "nông nghiệp, nông dân, nông thôn", chúng ta cần hình thành các tổ chức nông dân, để cùng hoạt động và chia sẻ lợi ích. Ông nghĩ sao?
- Bây giờ có mấy vấn đề về nông thôn cần nghiên cứu kỹ. Trước tiên, là về mô hình tổ chức sản xuất hay còn gọi là quan hệ sản xuất đã thay đổi như: Kinh tế hộ, kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã…
Do đó, hoạt động của Hội Nông dân cũng phải thay đổi để nắm các mô hình tổ chức nghề nghiệp này qua đó hoạt động của Hội Nông dân sẽ đi vào chiều sâu hơn, còn nếu để các tổ chức đó tách biệt ra, Hội sẽ bị "rỗng".
Đây là một việc khó, bởi chúng ta vẫn chưa có luật về Hội hay có một cơ chế nào đó để Hội Nông dân nắm được các tổ chức, hội nghề nghiệp của người nông dân. Trong tương lai sẽ còn phát sinh nhiều tổ chức như thế, nên càng cần phải có cách đưa họ vào Hội, cùng họ phát triển.
Nghị quyết 26 có đề ra chiến lược "Nâng cao vai trò của Hội Nông dân trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá". Theo ông, để thực hiện chiến lược này, Hội Nông dân cần có những sự thay đổi gì và cần có sự phối hợp với Bộ NN&PTNT như thế nào?
- Hội Nông dân có thể tham gia được rất trực tiếp, sát thực, nhất là việc quản lý xã hội cộng đồng ở nông thôn. Bởi quản lý xã hội ở nông thôn không chỉ là các mệnh lệnh hành chính, mà có thể là các hương ước, quy ước, thoả thuận với cộng đồng, để quản lý được việc này chỉ có Hội Nông dânvà các Hội đoàn thể mới có thể làm được.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng
Tôi nghĩ Hội Nông dânphải làm sao để cho người nông dân thấy được lợi ích khi tham gia vào Hội. Để làm được điều đó, Hội Nông dân không thể không tham gia, phối hợp với Bộ NN&PTNT, cũng như các bộ, ngành khác được.
Tôi lấy ví dụ như lĩnh vực khuyến nông, Hội Nông dân có nhiều cán bộ rất giỏi về khuyến nông còn các cơ quan khuyến nông của Bộ có kinh phí, kỹ thuật. Nếu hai bên kết hợp được, sẽ rất có hiệu quả, được nhiều việc. Ngoài ra, các công việc khác như vệ sinh nước sạch, môi trường nông thôn, Hội Nông dân cũng cần phải tham gia vào việc quản lý, vận động người dân cùng tham gia.
Về phía Bộ NN&PTNT, trong thời gian tới, sẽ tiếp tục có những sự phối hợp với Hội Nông dân trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn?
- Tôi mong giữa Bộ và Hội không phải chỉ là sự bắt tay tự nguyện, phối hợp nữa mà là chia sẻ trách nhiệm thực hiện các chính sách về "nông nghiệp, nông dân, nông thôn" do Đảng, Chính phủ giao.
Mặt khác, theo tôi hai bên phải có hợp tác về chiều sâu hơn, làm sao xây dựng được người nông dân mới với tư duy mới, trình độ mới, thể chất mới. Tất cả những việc đó ai làm?
Tốt nhất phải là cả Hội và Bộ cùng làm. Chúng ta phải bắt tay để hướng tới mục tiêu xây dựng nông thôn ngày càng hiện đại hơn, văn minh hơn, giới thanh niên trẻ yêu nông thôn hơn, gắn bó với người nông dân hơn.
Xin cảm ơn ông!
Lê Hân (thực hiện)