Dân Việt

Rắc rối với thẻ bảo hiểm y tế

13/10/2010 16:15 GMT+7
(Dân Việt) - Để phòng thân khi ốm đau, nhiều nông dân đã tự nguyện bỏ tiền mua bảo hiểm y tế tự nguyện (BHYTTN). Thế nhưng, mua đã khó, khi đến bệnh viện khám, chữa bệnh hoặc cần phải chuyển tuyến... lại càng phiền toái hơn.

Khó mua...

Anh Nguyễn Văn Dũng, ở xã Hợp Tiến, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), muốn mua một thẻ BHYT cho vợ (là giáo viên Mầm non đang dạy hợp đồng với xã), khi lên UBND xã đăng ký danh sách, người ta thông báo giá: 395.000 đồng/năm. Đăng ký cả tháng sau anh vẫn chưa thể mua được thẻ bởi cán bộ phụ trách ở xã còn phải đợi danh sách “dài một tý cho bõ công làm”.

Thế nhưng, anh Dũng vẫn còn may chán, hầu hết người dân ở huyện Hoằng Hóa, muốn mua BHYT lại phải lên tận Bệnh viện Đa khoa huyện mới mua được. Bà Lê Thị Chóc, ở thôn 1, xã Hoằng Trường, cho biết: “Tôi nghe nói, ở các nơi khác, ai muốn mua thẻ BHYT, thì chỉ cần lên UBND xã đăng ký, nộp giấy chứng minh nhân dân, đóng tiền, rồi cán bộ sẽ đi huyện làm cho bà con.

Theo cơ quan BHXH Thanh Hóa, đến nay toàn tỉnh có gần 2,1 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ gần 60% dân số. Trong đó, nhóm đối tượng khó khăn như người nghèo, người dân tộc thiểu số, hộ cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, học sinh, sinh viên... đã được Nhà nước hỗ trợ mua BHYT.

Thế nhưng, quê tôi lại không như như rứa, mà phải lên Bệnh viện huyện mua”. Vì đã già cả, con cái ở xa nên bà Chóc vẫn chưa có dịp lên huyện để mua chiếc thẻ BHYTTN ấy.

Theo ông Đỗ Đông Hà- cán bộ phụ trách khu BHXH huyện Thường Xuân, người dân có thể đăng ký tại UBND xã, hoặc tại các điểm đại lý bán BHYTTN ở địa phương.

Việc mở đại lý ở đâu tuỳ thuộc vào số lượng người mua nhiều hay ít bởi: “Làm đại lý bán BHYTTN hoa hồng rất thấp, cả năm chỉ bán được vài thẻ thì không ai muốn làm”. Tuy nhiên, chính vì không có đại lý bán BHYTTN “sát” dân nên số lượng người mua thẻ BHYTTN ở các vùng quê không nhiều.

Chẳng hạn như ở huyện miền núi Thường Xuân, mỗi năm chỉ tăng vài trăm người đăng ký mua BHYTTN. Tuy nhiên, khu vực này vẫn được coi là có tỷ lệ “phủ” BHYT cao vì “số đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ của nhà nước khá nhiều”- ông Đỗ Đông Hà nói.

Nhiều phiền toái

Qua tìm hiểu của PV, vẫn có khá nhiều người dân không muốn mua BHYTTN vì lý do “phiền toái khi sử dụng”. Chị Nguyễn Thị Lan, ở thị trấn Lam Sơn, huyện Thọ Xuân thẳng thắn: “Biết rằng có cái thẻ BHYT cũng là tốt nhưng thú thật vẫn còn nhiều phiền toái lắm.

Ví dụ như phải qua nhiều thủ tục, chờ đợi lâu, bác sĩ khám qua loa, Thậm chí, tới lúc lĩnh thuốc thì có nhiều loại không có trong danh mục cấp của BHYT, tôi phải mua ngoài. Mà đó thường là thuốc đắt tiền. Vì vậy, có bệnh tôi cứ ra thẳng phòng khám tư nhân khám, rồi trả tiền dịch vụ cho nhanh.”

Không riêng gì chị Lan, nhiều người từng sử dụng thẻ BHYTTN khi đi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện đều khẳng định hai chữ “phiền toái”. Anh Hoàng Dương Thưởng, ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Lộc cho biết: Cách đây hơn một tháng, bố anh bị bệnh trĩ phải đưa đi viện phẫu thuật.

Dù bố anh Lâm có thẻ BHYT, nhưng anh vẫn quyết định đưa ông đi bệnh viện tư nhân. Ở đó, người ta cũng khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT, cũng phải đóng tiền (20%), nhưng lại nhanh chóng.

Anh Lâm bày tỏ: “Nếu tôi vào khám ở bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh mà đi khám dịch vụ thì còn nhanh, chứ nếu khám bằng thẻ BHYTTN rất lâu và phức tạp. Chưa kể còn các tiêu cực khác, như muốn chuyển viện phải lót tay cho BS mới có giấy chuyển viện”.

Những ý kiến của anh Thưởng, chị Lan không phải là vô lý. Chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến, thậm chí từng mang thẻ BHYTTN đi khám ở bệnh viện và cũng cảm nhận rõ những điều “phiền toái” cho mình như: Gặp những vướng mắc trong việc trái tuyến, vượt tuyến; khám chữa bệnh ngoài giờ… và rồi nhanh chóng “tìm cách” để được giải quyết sớm, cho được việc.

Chính vì vậy, người dân nông thôn vẫn rất ngán ngại khi mua thẻ BHYTTN. Điều đó cho thấy, nếu không giải quyết được những bất cập và phiền toái nói trên thì con đường thực hiện mục tiêu phủ BHYT toàn dân sẽ vẫn còn khấp khểnh, gian nan... )

Theo Nghị định 62 hướng dẫn thi hành Luật BHYT, người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu hoặc khám bệnh, chữa bệnh không theo tuyến chuyên môn kỹ thuật thì được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi được hưởng như sau: 70% chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng III và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn; 50% chi phí đối với trường hợp khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đạt tiêu chuẩn hạng II và không vượt quá 40 tháng lương tối thiểu cho mỗi lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn...