Quá nhiều băn khoăn
Một chương trình thiếu nhi thuần Việt trên kênh Bibi. |
Hầu hết trẻ em xem truyền hình đều thích thú với "món" phim hoạt hình và dĩ nhiên những bộ phim hoạt hình VN chỉ như muối bỏ biển. Trong khi đó, hàng loạt kênh truyền hình cáp chiếu phim hoạt hình nước ngoài với những serie cực kỳ hấp dẫn. Các chương trình ca nhạc, sân khấu hay hoạt cảnh do các đơn vị trong nước sản xuất thì dù nhiều nỗ lực, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của khán giả nhỏ.
Ngược lại, các kênh cáp hay kỹ thuật số, các chương trình tạm gọi là "tạp kỹ" do nước ngoài sản xuất lại rất "đắt hàng". Diễn viên vừa đóng kịch, vừa hướng dẫn trẻ em làm trò chơi và múa, hát… Hãng ABC (Úc) xây dựng được các kênh truyền hình chuyên biệt cho trẻ em theo các lứa tuổi đáp ứng nhu cầu của lớp khán giả này, đến nay vẫn được coi là các kênh truyền hình thành công không chỉ ở đất nước của loài chuột túi, mà còn nhiều nước khác biết đến. Tại VN, serie chương trình Play School, Humphrey… dành cho trẻ dưới 7 tuổi được khán giả rất yêu thích.
Thực tế ở nước ta, mang danh nghĩa chương trình thiếu nhi nhưng nhiều chương trình đơn điệu, khô cứng với cách suy nghĩ của người lớn, cách thể hiện ít sáng tạo… Theo một kết quả khảo sát, trong 6 tháng đầu năm 2010, tại khu vực TP.HCM và các tỉnh, thành lân cận, chỉ khoảng 30-45% các em có xem các chương trình truyền hình thiếu nhi do VN sản xuất, trong đó tỉ lệ các em xem thường xuyên chiếm khoảng 25-30%. Có một lý do, các chương trình phát sóng chủ yếu vào các múi giờ như 6 giờ 30, 7 giờ 30, 14 giờ 30, 16 giờ 30, 17 giờ… không phù hợp với việc xem truyền hình của trẻ em.
Chưa được quan tâm đúng mức
Theo nhạc sĩ Thế Long -biên tập viên Trung tâm THVN tại TP.Cần Thơ, phần lớn biên tập viên chương trình thiếu nhi được đào tạo từ nhiều lĩnh vực khác nhau, số lượng vừa ít, vừa kiêm nhiệm công việc nên chưa có nhiều ý tưởng hay. Kinh phí đầu tư cho sản xuất chương trình thiếu nhi hiện nay còn ít ỏi và chưa phù hợp với một số chương trình như ca nhạc thiếu nhi, sân khấu thiếu nhi…
Chẳng hạn, kinh phí sản xuất một chương trình ca nhạc chỉ vỏn vẹn có 3,2 triệu đồng ở đài khu vực của VTV và 4,9 triệu đồng ở VTV… Sự đa dạng trong các thể loại chương trình thiếu nhi cũng dần bị thu hẹp… Nhiều yếu tố khác ảnh hưởng, trong đó có việc hoạt động của các nhà thiếu nhi không được đầu tư nhiều như trước đây và thù lao sáng tác chương trình tác phẩm cho thiếu nhi thấp… Hệ quả là các chương trình thiếu nhi đang bị “coi nhẹ”...
"Các nhà lãnh đạo, quản lý phải quan tâm đến vấn đề này" - ông Long nói: "Cần có chủ trương đầu tư có điều kiện để sản xuất được nhiều hơn, với chất lượng cao hơn…". Nhiều ý kiến tại một hội thảo mới đây trong khuôn khổ Liên hoan Truyền hình toàn quốc cho rằng, việc rất quan trọng là sắp xếp và cơ cấu múi giờ phát sóng cố định cho các chương trình truyền hình thiếu nhi sao cho phù hợp với lịch sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi của các em.
Đó là điều kiện thuận lợi nhất để các em được xem các chương trình dành riêng cho mình. Ngoài ra, cần mở rộng các hình thức hợp tác để xây dựng chương trình, sáng tác và sản xuất, đồng thời khai thác mọi nguồn lực của xã hội để đem đến cho các em những chương trình ngày một hấp dẫn.
Lê Vọng