Ở AFF Suzuki Cup 2010, mỗi lần Malaysia thi đấu ở sân nhà, người ta thường thấy các CĐV chăng một băng- rôn thật lớn: "True Malaysia", tạm dịch là "Malaysia đích thực". Khi được hỏi về dòng chữ ấy, người Malaysia giải thích: "Ở đất nước tôi, ít nhất có hai lĩnh vực đòi hỏi sự chân thực nhiều nhất là bóng đá và tài chính ngân hàng".
Giữa những năm 90, bóng đá Malaysia rúng động vì scandal bán độ khiến hàng chục cầu thủ bị bắt và đi tù vì bán độ, đáng tiếc đó lại là những ngôi sao của đội tuyển. Bóng đá Malaysia gần như phải làm lại từ số 0, chấp nhận thua tơi bời ở những Giải SEA Games hay Tiger Cup sau đó.
Phải hơn 10 năm sau, bóng đá Malaysia mới thật sự có những khởi sắc. Ngay cả khi láng giềng Singapore có những thành công vượt bậc với sự xuất hiện của HLV ngoại và dàn cầu thủ nhập tịch thì Malaysia lại có những quyết định ngược lại: Nói không với HLV ngoại và cầu thủ ngoại. Malaysia không thiếu tiền nhưng chính lựa chọn tưởng chừng như đi ngược với xu thế lại chính là cách tạo điều kiện để phát triển cầu thủ trẻ. Thành công từ SEA Games 25 cho tới khả năng đoạt Cup AFF 2010 (sau chiến thắng vang dội 3-0 trước Indonesia ở sân nhà) cho thấy bước đi của Malaysia là đúng để đáp ứng những cuộc đấu trong khu vực.
Bóng đá Việt Nam sau thất bại ở AFF Cup 2010 đang băn khoăn giữa đôi dòng nước. Việc đưa cầu thủ nhập tịch vào đội tuyển cũng đang là một hướng tính đến như lời khẳng định của lãnh đạo VFF, nhưng đó dù sao cũng là giải pháp nhất thời. Đào tạo cầu thủ trẻ mới là nền tảng. Nghịch lý chính là ở chỗ các CLB ở VN vẫn đang lên cơn sốt cầu thủ ngoại, thậm chí bỏ hàng triệu USD rước hàng hiệu về V.League thi đấu? Đâu là chỗ cho cầu thủ trẻ? Đó là chưa kể cần phải mạnh tay để làm trong sạch đội tuyển.
Đến bao giờ thì bóng đá Việt Nam có được khẩu hiệu "Việt Nam đích thực" như người Malaysia đang tự hào?
Vi Thành