Dân Việt

Bình mới rượu... mới

15/10/2010 06:43 GMT+7
(Dân Việt) - VFF cùng đại diện các CLB đã đồng thuận thay đổi hạn chót chuyển đổi các CLB lên chuyên nghiệp trong Hội nghị tổng kết các giải bóng đá QG 2010 và chuẩn bị mùa giải 2011 kéo dài trong cả ngày hôm qua (14-10)...

Nhìn nhận, khắc phục hạn chế

Thực tế, chưa ai quên lãnh đạo các đội bóng Than Quảng Ninh, Bình Định từng rất bức xúc khi phải chịu thiệt vì cái hạn chót 31-8-2010. Giá như trước thềm mùa giải 2010, bản thân họ và những người trong cuộc, trong đó có VFF tỉnh táo hơn, đẩy hạn chót chuyển sang mô hình doanh nghiệp lên sớm 1 tháng, thay vì đợi tới sau khi mùa giải kết thúc mới chốt, thì có lẽ mọi chuyện đã khác. 

img
Mùa giải 2011, mỗi CLB chỉ được đăng ký tối đa 4 ngoại binh

Với những nỗ lực trong suốt mùa giải, đội bóng đất Mỏ với vị trí á quân giải hạng Nhất 2010 xứng đáng có mặt ở V.League 2010, thay vì phải đi đá trận play-off và thua Navibank.SG. Còn Bình Định - đội đoạt HCĐ hạng Nhất 2010 cũng mất luôn hy vọng (điều mà đáng ra họ phải có) tìm đường lên V.League qua trận play-off cuối mùa.

Sang năm mới, những hạn chế ấy sẽ được khắc phục. Cụ thể, ngày 31-7-2011 (mùa giải dự kiến sẽ bắt đầu ngày 21, 22-1 và kết thúc ngày 25-8) là hạn chót mà 6/14 CLB hạng Nhất: An Giang, Quảng Nam.XT, XSKT.Cần Thơ, H.Huế, NH.Kiên Giang, XT.Hà Tĩnh, phải hoàn thành doanh nghiệp hóa, nếu muốn chơi ở V.League 2012 (khi có thứ hạng đáp ứng đủ điều kiện). Vì 14 CLB V.League đều đã chuyên nghiệp hóa, nên mùa giải 2011 chỉ có 3 trường hợp liên quan tới chuyện doanh nghiệp hóa được đưa ra.

Thứ 1, nếu số CLB chuyên nghiệp ở giải hạng Nhất là 9 trở xuống, thì chỉ có 1,5 suất thăng hạng (1 suất lên thẳng, 1 trận play-off). Thứ 2: nếu số CLB chuyên nghiệp ở giải hạng Nhất là 10-12, thì sẽ có 2 suất thăng hạng, không có trận play-off. Thứ 3: Nếu số CLB chuyên nghiệp ở giải hạng Nhất là 13-14, thì sẽ có 2,5 suất thăng hạng (2 suất lên thẳng, 1 trận play-off). Đương nhiên, mùa giải 2011 hứa hẹn sẽ rất quyết liệt chứ không dễ "an bài" sớm như năm 2010.

Chống bạo lực sân cỏ

Tổng kết mùa giải 2010, ông Trần Quốc Tuấn- Tổng Thư ký VFF khẳng định: "V.League, hạng Nhất QG, Cúp QG đã được tiến hành an toàn, có những bước tiến trong công tác điều hành giải, giám sát trọng tài, phòng chống tiêu cực, tiếp thị tài trợ, thông tin tuyên truyền… Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, đặc biệt là nạn bạo lực sân cỏ".

Những nét mới mùa giải 2011

Tại V.League 2011, các đội bóng chỉ được đăng ký 4 ngoại binh, sử dụng 3 trên sân, thay vì đăng ký 5, sử dụng 3 như trước. Quy định tài chính tối thiểu với 1 CLB V.League, hạng Nhất lần lượt là 25 tỷ đồng, 15 tỷ đồng/năm. Số lượng cầu thủ ký hợp đồng ở 1 đội bóng V.League tối thiểu là 25/30 cầu thủ, với mức lương tối thiểu là 10 triệu đồng/tháng. Sân nhà của các CLB V.League phải có hệ thống chiếu sáng, trận sớm nhất diễn ra lúc 16 giờ, muộn nhất có thể là 19 giờ 45.

Vấn đề nằm ở chỗ, BTC giải chỉ đưa ra những nguyên nhân: Tính chất quyết liệt của các trận đấu, hành vi cổ động thiếu văn hóa của một bộ phận khán giả quá khích, các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh trong Quy chế về kỷ luật của VFF… như là nguồn gốc của bạo lực sân cỏ, chứ không thấy nhắc đến cách "cầm còi" của trọng tài (?!).

Ở đây cần phải khẳng định, nếu các "ông vua" sân cỏ thực sự công tâm, làm tốt nhiệm vụ, hạn chế tối đa những sai sót, thì các đội bóng, HLV, cầu thủ, CĐV… cũng khó có "đất diễn" để thể hiện sự quá khích. Khi các trận đấu được nâng chất, chuyện khán đài được phủ kín bởi các CĐV sẽ trở thành hiện thực, chứ không còn trống vắng, trung bình 8.297 người/trận.

Điểm ra chỉ được 3 sân có khán giả nhiều và ổn định: Lạch Tray, Chi Lăng, Cao Lãnh như BTC giải tổng hợp. Lúc đó, VFF cũng có cớ để nâng giá V.League với Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (AVG) trong bản hợp đồng 20 năm, chứ không đến nỗi khó quyết, tất cả vẫn trong vùng "bí mật" như hiện nay.