Dân Việt

Vẫn “bồng bềnh” khói thuốc

15/10/2010 13:45 GMT+7
(Dân Việt) - Nghị quyết 1315 về việc cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng do Chính phủ ban hành đã có hiệu lực hơn 8 tháng nhưng nhìn chung, việc chấp hành nghị quyết của người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn vẫn còn bỏ ngỏ.

Không hiệu quả

Theo ghi nhận của NTNN, dù quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng đã len lỏi vào khắp các ngõ xóm nhưng người dân ở nông thôn vẫn còn thờ ơ. Các khu vực nông thôn ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất,… tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào diễn ra thường xuyên, nhất là những nơi công cộng, cơ quan, công sở.

Một người bán nước ở Quốc Oai cho biết, thuốc lá vẫn là mặt hàng bán chạy nhất vì khách đến đây hút thuốc còn nhiều hơn uống nước.

 img
Một hành khách hồn nhiên hút thuốc trong phòng chờ bến xe Giáp Bát (Hà Nội).

Vào một số UBND xã tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra ở cả phòng làm việc lẫn hành lang. Trên sàn nhà có thể thấy rất nhiều đầu thuốc lá được vứt ra dù biển báo cấm hút thuốc lá hiện diện ở những nơi dễ nhìn thấy nhất.

Thậm chí ở UBND xã Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội), một số phòng, ban còn có cả điếu cày dựng ở chân bàn. Còn hộp thuốc lá thì để thản nhiên trên bàn làm việc. Trả lời về việc này, ông Nguyễn Chí Lợi - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng cho biết, xã đã triển khai cho các cán bộ về việc không được hút thuốc lá nơi công cộng. Đến nay chỉ còn số ít người còn hút tại cơ quan. Tình trạng hút thuốc lá đã hoàn toàn chấm dứt ở… hội nghị.

Chỉ dừng lại ở tuyên truyền

Anh Đỗ Văn Toàn - Phó Chủ tịch xã Song Phượng, Hoài Đức, Hà Nội cho biết, từ khi có nghị quyết của Chính phủ về việc cấm hút thuốc lá nơi công cộng, địa phương đã có nhiều biện pháp triển khai. Đặc biệt, từ hơn một năm nay, những người đến UBND xã để đăng ký kết hôn đều phải đặt cọc 500 nghìn đồng. Số tiền này chỉ được hoàn trả nếu chính quyền xác định gia đình đó không sử dụng thuốc lá để mời khách trong đám cưới.

Khi được hỏi về các biện pháp xử lý với những trường hợp hút thuốc tại đám ma, đám giỗ… và những nơi công cộng, anh Toàn thừa nhận là mới chỉ dừng lại ở mức tuyên truyền, dựa nhiều vào ý thức người dân chứ chưa có các hình thức xử lý cụ thể. Nhiều cán bộ ở xã Song Phượng cho rằng, đến chính quyền cấp huyện còn chưa có cơ quan nào xử lý các trường hợp hút thuốc lá nơi công cộng thì nói gì đến xã.

Còn ở xã Sơn Đồng, (Hoài Đức, Hà Nội) Phó Chủ tịch xã Nguyễn Chí Lợi cho biết, hình thức tuyên truyền của xã ngoài phổ biến nghị quyết của Chính phủ cũng như tác hại của khói thuốc thì các cán bộ xã luôn đi đầu trong việc tổ chức đám cưới, lễ lạt của gia đình mà không mời thuốc. Hiệu quả đi đến đâu còn chưa rõ nhưng trong UBND xã Sơn Đồng, rất nhiều cán bộ vẫn thản nhiên hút thuốc trong cơ quan.

Về phía người dân, đa phần những người hút thuốc lá, thuốc lào đều có nghe qua về nghị quyết cấm hút thuốc lá của Chính phủ, nhưng không biết đó là nghị quyết nào, có hiệu lực từ lúc nào. Thậm chí có người còn không biết những nơi nào thì được coi là nơi công cộng.

Anh N.T.L, xã Tiến Xuân, Thạch Thất tâm sự sau khi rít một hơi thuốc lào: "Cấm thì cứ cấm, còn hút thì vẫn cứ hút, có thấy ai xử phạt đâu. Đã nghiện thuốc rồi có muốn bỏ cũng không phải chuyện dễ. Nhịn ăn, nhịn uống còn được chứ nhịn thuốc thì không thể".

Theo khảo sát của tổ chức HealthBridge, ở Việt Nam, có đến 89,5% phụ nữ có thái độ khó chịu với khói thuốc lá. Có 97,4% nam giới có kiến thức về tác hại của thuốc lá.

Chị Trần Thị Kiều Thanh Hà - phát ngôn viên của Tổ chức HealthBridge - một tổ chức của Canada tại Việt Nam về phòng chống thuốc lá cho biết: "Theo khảo sát của tổ chức tại 3 tỉnh Thái Bình, Đà Nẵng và Bến Tre cho thấy ở Thái Bình, có 36,7% nam giới thường xuyên hút thuốc tại nơi làm việc.

Con số này tại 2 tỉnh Đà Nẵng và Bến Tre lần lượt là 45,5% và 30%. Tỉ lệ trẻ em phải tiếp xúc với khói thuốc ở Thái Bình là 47,7%, ở Đà Nẵng, Bến Tre là 53,4% và 41%. Những con số trên cho thấy tỉ lệ hút thuốc lá nơi công cộng là còn rất cao, và rất nhiều trẻ em còn phải chịu ảnh hưởng của khói thuốc".

Nhiều người dân ở nông thôn cho rằng việc hút thuốc lá nơi công cộng là một điều dễ hiểu vì họ không thường đến các trụ sở cơ quan nhà nước để tiếp cận thông tin, nghị quyết mới. Thỉnh thoảng người dân mới đến các trụ sở cơ quan nhà nước thì vẫn gặp các cán bộ hút thuốc.

Chị Trần Thị Kiều Thanh Hà cho biết, biện pháp để hạn chế hút thuốc lá nơi công cộng, đặc biệt là ở khu vực nông thôn khá hiệu quả mà chúng ta không để ý đó là việc tuyên truyền khuyến khích phụ nữ chủ động và tự tin lên tiếng phản đối việc hút thuốc trong gia đình và ở nơi công cộng.

------------------

Còn nữa