Vợ chồng ông Khôn phân loại na trước khi mang ra chợ bán. Ảnh: Minh Ngọc |
Hơn 10 năm trước, ông Khôn lên đất Sơn La kiếm việc làm thuê cho những hộ khá giả. "Thấy đất đai màu mỡ mà người ta ít tận dụng nên tôi tiếc lắm. Tích cóp được đồng công nào tôi lại tìm mua những mảnh đất nương mà họ làm không hiệu quả, sẵn sàng bán rẻ.
Ngày đi làm thuê, tối về lại cải tạo đất của mình, được chỗ nào là tôi trồng cây ăn quả ngay chỗ ấy" - ông nhớ lại. Cứ túc tắc, chỉ trong dăm năm ông Khôn đã có tới cả ha đất nương và những cây na, nhãn trồng vụ đầu tiên cũng đã cho quả bói.
"Tôi về quê (Hải Dương-PV) đón vợ con lên cùng làm ăn. Nhiều người bảo làm nông nghiệp thì vất vả nhưng tôi nghĩ chả có nghề nào hay hơn làm nông nghiệp, có điều mình phải có vốn và có kinh nghiệm, chịu khó tìm hiểu thị trường thì vụ nào chắc ăn vụ ấy"- ông Khôn tâm sự.
Rẻo đất sườn đồi ở xóm 3 này vốn toàn đá hoang, cỏ dại nên dân ở đây không chuộng lắm. Ông Khôn lại tiếp tục thực hiện "lộ trình tích đất" của mình. Đến nay ông đã có khoảng 3ha đất, được cải tạo khá bằng phẳng và nhiều cây trái cho quả.
Hiện ông có hơn 1 vạn gốc cà phê, 300 gốc nhãn và hơn 2.000 gốc na; ngoài ra còn có xen canh thêm được nhiều đậu, lạc, ngô, đỗ. Cứ mùa nào thức ấy, chả khi nào thiếu nguồn thu. Nhờ vậy ông mới nuôi được 6 đứa con nên người, lại làm được nhà cửa đoàng hoàng. Bây giờ nhìn cơ ngơi nhà ông, chả ai bảo làm nông nghiệp là dại nữa.
Đưa chúng tôi tham quan vườn na, bà Lan-vợ ông Khôn, tâm sự: “May là ngày trước ông ấy có đồng vốn nào là mua đất, mua nương; chứ cứ như người ta đầu tư vào mua cái xe máy hay làm cái nhà to trước thì đến nay chúng tôi cũng còn vất vả. Trước nghèo thì lao tâm khổ tứ, nay có của ăn của để rồi thì ông ấy có chịu nghỉ đâu. Mấy trăm cây nhãn vừa bị cưa cụt ngọn này là vì ông ấy tính ghép cành giống nhãn tốt, quả to và sai mà lại cho quả trái mùa. Sang năm các anh đến thăm gia đình, ăn nhãn thoải mái”.
Minh Ngọc