Thông lệ, từ tháng 10 trở đi, cá nhân muốn vay chi tiêu, mua đất, nhà là cực khó. Vì cuối năm, doanh nghiệp nào cũng cần vốn, nhà nào cũng cần tiền, còn ngân hàng thì e ngại căng thẳng tín dụng. Nhưng năm nay, thông lệ trên có vẻ “quay ngược”, khi nhiều ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng.
Điều kiện vay tiêu dùng được nhiều ngân hàng nới lỏng |
Dẫn đầu cuộc đua phải kể đến “đại gia” Vietcombank, với hàng loạt chương trình khuyến khích vay tiêu dùng. Các ngân hàng thương mại khác, như ACB, Techcombank, Sacombank cũng không kém cạnh về dịch vụ và sản phẩm cạnh tranh.
Theo các ngân hàng, hồ sơ vay mua nhà, đất đang chiếm đa số trong các khoản vay tiêu dùng hiện tại. Vì thế, chiến lược cho vay tiêu dùng ở các ngân hàng chủ yếu vẫn tập trung ở phân khúc thị trường này. Nhưng lãi suất và các thủ tục, điều kiện, thời hạn cho vay ở các ngân hàng không giống nhau.
Thực tế, lãi suất mà các ngân hàng đưa ra tại thời điểm hiện tại chỉ “ứng” với khách hàng trong 2, 3 tháng đầu, sau đó là “thả nổi” tùy vào lãi suất huy động. Điều cần lưu ý là mức lãi suất có thể tăng, giảm theo sự điều chỉnh lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế, để tính khả năng trả nợ, người vay cần dự trù, tính toán được chuyện tăng, giảm lãi suất ở tầm nhìn “xa” khoảng 6 tháng - 1 năm.
Với một số ngân hàng có lãi suất rẻ hơn mặt bằng chung hiện nay (như Vietcombank), thì thủ tục lại khá rối. Vì thế, sau quan tâm về lãi suất, người vay phải biết rõ giấy tờ của mình đáp ứng điều kiện của ngân hàng nào, để chắc chắn tiếp cận được nguồn vốn.
Ngoài ra, ở một số ngân hàng, việc trả nợ trước hạn sẽ “khó được chấp nhận”, hoặc chịu phạt, nên cũng cần biết về điều kiện này. Chẳng hạn, ở Techcombank, Sacombank, ACB đều có mức phạt từ 2%- 4% khi trả nợ trước hạn.