Truyền thống chống giặc nước của ông cha ta là như thế. Khác với chuyện “đại hồng thủy” của các dân tộc khác, lúc nước dâng ông già NôÊ chỉ cứu được một số người, gia súc, giống má rồi từ đó nhân giống lên thành xã hội loài người hiện nay. Tóm lại “đại hồng thủy” chỉ xảy ra có một lần từ ngày xửa ngày xưa, lâu ơi là lâu rồi.
Chuyện cổ tích kể rằng lũ lụt là do Sơn Tinh và Thủy Tinh tranh nhau công chúa mà ra trận chiến hàng năm. Thủy Tinh dâng nước đến đâu Sơn Tinh lại be bờ đắp đập đến đấy. Kết cục năm nào Thủy Tinh cũng thua, Sơn Tinh luôn thắng và vẫn sống với người đẹp từ đời Vua Hùng đến giờ.
Tháng 10-2010 trong lúc cả nước đang hướng về Hà Nội với Đại lễ 1000 năm, các báo đều loan tin “đại hồng thủy” đang nhấn chìm 5 tỉnh miền Trung. Trôi nhà, chết người, tan nát hoa màu, ách tắc giao thông, trôi cả đường tàu hỏa... Đến hôm nay nước đã rút, bà con đang dọn dẹp, vớt vát tí của cải còn sót để từ trong bùn lầy, đổ nát lại bắt đầu tạo dựng cuộc sống.
Là người cả nghĩ, suy từ cổ tích mà ra thì con cháu Sơn Tinh ngày nay yếu hơn tổ tiên. Năm nào cũng thua trận, trận sau thua đau hơn trận trước. Có lẽ thua trận đã quen nên năm nào cũng lo gồng mình chống lũ lụt, cốt cứu lấy sinh mạng là chính.
Khẩu hiệu chính là “không để dân bị đói”. Đói thế nào được, ta là nước xuất khẩu gạo nhất nhì ba tư thế giới cơ mà. Ăn tạm vài gói mì tôm (nhai sống thôi, ngồi trên nóc nhà không có bếp để nấu) chờ nước rút sẽ có gạo cứu trợ nấu cơm. Tài thật, tuần trước vừa mênh mông hồng thủy, tuần này lại thông tàu xe, trẻ em lại đến trường, thông tin lại nối mạng, chợ búa lại họp và nạn chặt chém người mua có lý do chính đáng vì... lũ lụt.
Là người cả nghĩ, năm nào cũng mất hàng nghìn tỷ, rồi lại bỏ ra hàng nghìn tỷ nữa để phục hồi công lực, tiếp tục phòng chống lụt bão, để rồi năm sau lại tái diễn trận thua mới của Sơn Tinh. Thế là vì sao?
Cụ Tú Xương xưa có thơ vui: “Phố phường chật hẹp người đông đúc/Bồng bế nhau lên nó ở non”. Nói theo ngôn từ hiện nay là chương trình di dân, tị nạn khí hậu, tị nạn thiên tai đã có trong... thơ cũ. Còn bây giờ chỉ khi làm thủy điện mới có chương trình, dự án di dân lên cao. Cho đến nay chưa thấy báo đăng ý kiến người dân nào khen đến làng mới vui hơn quê cũ. Không còn chuyện “ở đồn Mang Cá, vui hơn ở nhà”.
Lý Lão Làng