Thực tế, trọn đời với các cầu thủ không phải là cách vận hành tốt trong bóng đá chuyên nghiệp, bằng chứng là chính VFF cũng đã phải ra một điều luật về thời hạn hợp đồng đối với một cầu thủ tối đa là 3 năm. Thời hạn ấy là để bảo vệ cho chính cầu thủ, để họ có thể ra đi, tìm đến một nơi có chế độ đãi ngộ tốt hơn, có khả năng phát triển hơn.
Bởi vậy bản chất cái cớ ký một hợp đồng "trọn đời" trên danh nghĩa của Văn Quyến với SLNA chỉ là anh muốn chứng tỏ mình còn nợ SLNA nhiều và có nghĩa vụ phải trả món nợ đó đến… hết đời.
Bóng đá thế giới, không hiếm những cầu thủ thi đấu trọn đời cho một CLB duy nhất và hiển nhiên họ đã trở thành những tượng đài như Baresi, Maldini của AC Milan, Paul Scholes, Ryan Gigss của M.U… song tất cả đều không bị ràng buộc bởi những hợp đồng nào cả mà là sự cống hiến và xứng đáng được ghi nhận.
Đối với Văn Quyến, nếu không có cú vấp ngã năm 2005 khiến anh phải vào vòng lao lý, có lẽ giờ này Văn Quyến đã ở một CLB nào đó giàu có, nhiều thành tích hơn SLNA. Sau cú vấp ấy, chính những con người ở SLNA như HLV Hữu Thắng, ông Nguyễn Hồng Thanh và đông đảo người dân xứ Nghệ vẫn mở rộng vòng tay chào đón Quyến.
Một bản hợp đồng trọn đời, điều ấy quá tốt. Nhưng vấn đề ở chỗ, Văn Quyến còn chứng tỏ được giá trị thật của mình trên sân cỏ hay không, có trở thành một tượng đài hay không thì lại là một chuyện hoàn toàn khác.
Vi Thành