Cả Hà Nội những ngày qua ngập trong sắc đỏ của cờ hoa. Phố phường như bớt bóng cây xanh, như bị che khuất lấp nhà cửa, để nhường cho màu đỏ màu vàng lên ngôi.
Từ mười năm qua, ba năm qua, và đặc biệt là năm 2010 này, khắp nơi từ trụ sở các cơ quan công quyền đến hàng chè chén, từ báo chí truyền hình đến câu chuyện lê la vỉa hè, từ đường phố đường quê đến nhà quê nhà phố, có lẽ hai tiếng "nghìn năm" là được nói nhiều nhất, được dùng nhiều nhất, thành ra bị lạm dụng nhất. Người ta dán nhãn mác "nghìn năm" cho bất cứ cái gì nghĩ ra, làm ra trong dịp này, bất kể ý nghĩa, tác dụng của nó ra sao.
Hội chứng này như có từ trong máu của người mình. Hội chứng này được gia tăng, khuếch trương, phình nở trong cuộc sống hiện đại của người mình, theo một lối tư duy tuyên truyền máy móc, rập khuôn, chạy theo hình thức, bề ngoài. Dịp "nghìn năm" chỉ là hội tụ, tung đẩy hội chứng đó lên cao ở quy mô thủ đô và cả nước mà thôi.
Sau dịp kỷ niệm, cái không khí ào ào làm lấy được cái này cái nọ "nghìn năm" để lây phần kỷ niệm đã dẹp xuống, đã lặng đi. Rồi khi đã hết động lực kỷ niệm, chào mừng, các công trình sẽ làm đến khi nào xong thì xong. Và người dân mỗi khi phải chạm mặt một dự án, một công trình, vốn từng được xưng là "nghìn năm" nay cứ chình ình, dềnh dang, đành chép miệng bảo: "Nghìn năm mà!". Tôi sợ cái chép miệng đó. Sợ mà đau lòng và thương cho mình, cho bao người dân...
Ngày 10-10-2010 - đây chỉ là ngày lấy làm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, chứ không phải thật ngày Lý Thái Tổ dời đô. Thôi thì nhắc mình, nhắc người, từ dịp lễ trọng thiêng liêng này, con cháu cùng nhau lòng thành xây dựng Thăng Long xưa - Hà Nội nay nghìn năm tuổi vẫn trẻ trung, càng khoáng đạt, xứng với vị vua "nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời" (Ngô Sỹ Liên) đã định vị đất này làm trung tâm nước Việt.
Phạm Xuân Nguyên