Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Nguyễn Duy Lượng (phải) thăm khu cấy giống nấm của HTX nấm Hùng Sơn. |
Các mô hình sản xuất nấm do Hội ND tỉnh Thái Nguyên hướng dẫn, hỗ trợ là các cơ sở có quy mô khá lớn, ND được đào tạo kỹ năng bài bản, trở thành những công nhân trồng nấm lành nghề.
Công ty trồng nấm
HTX sản xuất nấm Hùng Sơn do ông Nguyễn Đình Thử làm chủ nhiệm đóng trên địa bàn xã Hùng Sơn, (huyện Đại Từ). Với hơn 1ha sản xuất HTX chia làm 3 khu là khu xử lý nguyên liệu; khu xử lý kỹ thuật, ươm giống và khu nuôi trồng. Dù làm việc ở công đoạn nào, công nhân của HTX đều được đào tạo bài bản, nhất là công nhân trong đội cấy giống.
Bà Nguyễn Thị Ngà- Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Nguyên
Bản thân ông Thử trước khi quyết định thành lập HTX (năm 2008) đã xuống tận Viện Di truyền Nông nghiệp VN để học. Khi thành lập HTX, ông Thử mời các kỹ sư về Hùng Sơn dạy nghề. “Ban đầu HTX thiếu vốn đầu tư, nấm làm ra phải tự tìm thị trường tiêu thụ.
Cũng may, nhờ Hội ND tỉnh cho vay 500 triệu đồng từ Quỹ HTND, đề án phát triển sản xuất nấm của tỉnh hỗ trợ thiết bị máy móc, thiết bị kỹ thuật, đào tạo nghề cho ND và nhiều đại lý lớn nhận tiêu thụ. Năm 2009 doanh thu của HTX gần 3 tỷ đồng, năm nay dự kiến hơn 4 tỷ đồng” - ông Thử cho hay.
Ra đời muộn hơn HTX Hùng Sơn gần 2 năm, cơ ngơi sản xuất nấm của Công ty cổ phần Nhật Sơn, xã Động Đạt (Phú Lương) được Viện Di truyền Nông nghiệp VN đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay.
Chị Nguyễn Thị Nga- Phó Giám đốc Công ty Nhật Sơn cho biết: “Công nhân được đào tạo vững tay nghề, được đề án hỗ trợ một số thiết bị hiện đại như lò sấy hơi, máy lạnh, máy hút chân không... nên sản xuất bước đầu thuận lợi. Nấm Linh chi của Nhật Sơn được các chuyên gia ở Viện Di truyền Nông nghiệp đánh giá đạt tỷ lệ thành phẩm cao nhất ở Việt Nam hiện nay, lên tới 98%”.
Lương công nhân 2 triệu đồng/tháng
Hơn 40 công nhân của HTX Hùng Sơn được tổ chức thành 4 đội gồm đội chế biến và thu mua nguyên liệu; đội thị trường; đội cấy giống và đội chăm sóc, thu hái nấm. Việc tổ chức công nhân theo từng đội sản xuất cũng được thực hiện ở Công ty Nhật Sơn. Thu nhập của công nhân tuỳ vào mức độ, tính chất công việc.
Chị Nguyễn Thị Hạnh - một trong 5 công nhân kỹ thuật cao của Công ty Nhật Sơn tâm sự: “Công việc vào giống nấm trong phòng khử trùng yêu cầu trình độ kỹ thuật cao. Sau hơn 2 tháng học, tôi và nhiều người đã thành thạo kỹ năng.
Các công nhân kỹ thuật cao như tôi hiện có thu nhập 2 triệu đồng/tháng (làm 8 tiếng/ngày); công nhân đảm nhận các công việc khác lương 1,8 triệu đồng/tháng. So với cấy lúa, nuôi lợn, thu nhập cao, ổn định hơn”. Ông Nguyễn Đình Thử-Chủ nhiệm HTX Hùng Sơn cho biết: “Làm thêm được trả thêm 9.000 đồng/giờ. Có người thu nhập tới 3 triệu đồng/tháng”.
Việc nhân, cấy nghề trồng nấm ra diện rộng, thu hút nhiều lao động tham gia là một trong những mục tiêu của đề án phát triển sản xuất nấm. Ông Nguyễn Đình Thử cho biết: “HTX cung cấp bịch nấm đã qua xử lý, gieo giống cho các hộ mang về treo trong lán, trại của gia đình, hướng dẫn cách chăm sóc.
Sau 2,5 tháng, bình quân mỗi bịch cho thu 1kg nấm tươi trị giá 20.000 đồng, trừ chi phí mua bịch và công chăm sóc, lãi 14.000 đồng/bịch. Tại xã Hùng Sơn đã có hơn 50 hộ tham gia treo bịch nấm để chăm sóc. Hộ nhiều treo 3 vạn bịch, hộ ít treo 500 bịch...”.
Nguyễn Công