Dân Việt

Đã đến lúc cần có một bài hịch “thảo phạt lâm tặc”?

30/11/2010 00:00 GMT+7
(Dân Việt) - Rừng của ta đang lâm nạn và nếu không có những hành động kiên quyết, triệt để thì sớm muộn cả dân tộc sẽ phải gánh chịu những hậu quả khôn lường.

Tổ quốc là giang sơn. Bảo vệ Tổ quốc, trước hết là bảo vệ rừng. Rừng làm nên đồng bằng màu mỡ. Rừng điều tiết lũ lụt. Rừng nuôi sống cả dân tộc, miền ngược cũng như miền xuôi. Rừng luôn là nơi xung yếu của biên giới. Rừng đầu nguồn là nơi không thể cho thuê, không thể chặt phá.

Nạn lâm tặc đang hoành hành khắp nơi. Nơi nào có rừng là có lâm tặc, bọn bất lương coi rừng là cái vú sữa để bòn mót, thu vén giàu sang. Và nơi nào có rừng cũng đều có lực lượng kiểm lâm. Nhưng điều đáng lo ngại là lâm tặc càng ngày càng nhiều lên, mạnh lên.

Còn lực lượng kiểm lâm 30 năm trước được than phiền là quá mỏng và hôm nay, 30 năm sau vẫn được coi là quá mỏng. Vậy là tội ác đang ở thế thượng phong. Lâm tặc ngang ngược đến mức chống lại, đánh lại kiểm lâm, bắt kiểm lâm quỳ lạy mới tha, kẻ gian hạ nhục người ngay, tội ác thách thức pháp luật. Dân do quyền lợi và có thể vì nhiều lý do khác nhau, đôi khi bênh lâm tặc mà chống lại người giữ rừng.

Hậu quả là rừng bị đốn. Từ đầu nguồn đến ven biển. Từ trung du đến miền núi cao chót vót. Lâm tặc là ai? Là những đứa nào mà dám thách thức chính nghĩa và sức mạnh của thể chế như vậy?

Lâm tặc là kẻ phá rừng, đốn cây bán kiếm sống hay làm giàu. Lâm tặc có thể chỉ là người dân cần ít gỗ làm nhà mà chặt cây trái phép, cũng có thể là một tổ chức đen, băng đảng chuyên cướp rừng, có tiền hô hậu ủng, có rào chắn bảo kê, có kẻ cứu ra ngay nếu bị “nhập kho”. Lâm tặc có thể là những kẻ quên liêm sỉ, trách nhiệm mà nhắm mắt cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn, rừng xung yếu.

Chưa hết, lâm tặc còn là những người say mê dùng gỗ, ỷ tiền nhiều, thế mạnh mà ghế nào cũng phải có ngai gỗ gõ, gỗ trắc mới ngồi, cửa phải dày gang tay, quan tài phải nặng hàng tấn mới thỏa. Chính thói xấu tiêu dùng gỗ mà nhà nước bao năm vẫn không hề có chế tài để hạn chế đã kích thích lâm tặc, thiết nghĩ tội ấy cũng không nhỏ.

Không thể chần chừ, thỏa hiệp với các loại lâm tặc trước khi quá muộn. Trăm sự cũng do chúng ta coi thường rừng, không nhận ra rừng chính là cuộc sống của chúng ta, là chỗ cứu vớt chúng ta, là bức trường thành bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng. Với một nước nhiệt đới, núi non trùng điệp như nước ta, mất rừng cũng đồng nghĩa với nguy cơ mất nước.

Phải chăng đã đến lúc cần có một bài hịch “thảo phạt lâm tặc”?