Dân Việt

Luận về giàu nghèo

30/11/2010 03:52 GMT+7
(Dân Việt) - Một người bạn đến từ Buốc-ki-na-pha-sô, họa sĩ Papa Kouyaté nói với tôi khi gặp nhau ở Boordeau (Pháp) rằng: “Nước tôi nghèo nên dân tôi được hạnh phúc. Nước tôi chẳng có tài nguyên gì cả nên được bình yên. Nhiều dầu mỏ như Iraq thì dân tộc lầm than vì bị tranh cướp. Vậy giàu có để làm gì!”.

Nghe có vẻ huyễnh, nhưng cuộc sống đã tự nói lên cái lý của nó.

Chẳng ai lại hạnh phúc với cái nghèo. Nhưng giàu có chắc đâu đã có hạnh phúc? Vâng, tất cả đều có thể và không có thể.

Nghe bạn nói, tôi nhìn lại nước mình mới thấy cũng quá nhiều chuyện bất cập và không ít sự bất an, trong cả chuyện giàu lẫn chuyện nghèo. Những lỗi đó do chính con nguời gây ra.

Giàu có mà lục đục thì giàu để làm gì, vì tiền lại không mua được sự an bình. Tiền nhiều càng bất an. Còn đồng tiền bất lương thì chỉ có khả năng phá hủy mà không bao giờ bảo trợ cho sự an bình. Cho nên người ta gọi tiền là tiền bạc cũng là có lý. Tiền và bạc gắn liền với nhau.

Hai người bạn thuở nghèo đói, bây giờ một người giàu có lên thì thường mất luôn bạn xưa, hoặc vì anh ta chẳng cần, hoặc vì bạn nghèo tránh.

Người xưa bảo “an bần lạc đạo”, ý là yên tâm với cái nghèo để vui với đạo làm người. Chẳng biết có đúng thế không. Kiếp nghèo (bần) thì ai cũng muốn tránh, nhưng để xứng đáng là con người thì thà nghèo còn hơn nên mới nói thế.

Tôi nghĩ rằng vấn đề là ở chỗ giàu như thế nào và nghèo như thế nào. Chẳng nên chê giàu và cũng chẳng nên vui với cái nghèo.

Tất cả những điều nêu trên có thể đúng với người này, sai với người khác do ở cách đặt vấn đề hoặc do nhận thức. Mỗi người có một góc nhìn.