Trao đổi nhanh với phóng viên Dân Việt sáng 17-10, ông Nguyễn Văn Quý, Bí thư huyện ủy huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh, cho biết thông tin trên.
Nhanh chóng di rời người dân tới nơi an toàn
Theo ông Quý, do mưa lớn, nước lên nhanh, chỉ sau một đêm đã làm ngập hầu hết các xã trong đê La Giang và cô lập 11 xã ngoài đê. Các xã ngoài đê bị cô lập và ngập nặng phải kể tới xã Liên Minh, Trường Sơn, Đức La, Đức Quang, Đức Vịnh…
Nước lũ dâng cao làm ngập chìm nhà của dân tại Đức Thọ - Hà Tĩnh |
Ông Nguyễn Mạnh Hợp ở thôn Vịnh Đại 2 xã Đức Vịnh cho biết, chỉ sau một đêm nước đã dâng cao, có chỗ sâu nhất ngập hơn 2m, ngập băng tuyến đường liên xã lên đê khiến toàn bộ các xã khác cũng bị cô lập.
“Sáng nay tôi dắt bò chạy lên đê, đi qua chỗ nước chảy xiết còn bị nước cuốn đi một đoạn dài hơn trăm mét. Suýt nữa thì mất mạng, cũng may nó dạt vào sườn, bám vào lưng bò mới thoát được “miệng hà bá” đấy”, ông Hợp kể lại.
Theo anh Nguyễn Ngọc Khánh, khối 14 phường Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh), tại phường có khoảng 50% số hộ có ao nuôi cá, nhưng chỉ sau một đêm toàn bộ các ao hồ đã bị nhấn chìm trong dòng nước, chưa thể ước tính được thiệt hại bị mất cá của người dân.
Chỉ tính riêng từ lúc 7 giờ tới 10 giờ, nước đã lên thêm 25cm. Hầu hết các hộ trong phường đều bị nước vào nhà.
Do nước lên nhanh nên chẳng ai kịp di chuyển tài sản tới nơi an toàn, toàn bộ bàn ghế, thóc gạo trong nhà ướt hết.
Không chỉ có ông Hợp, nhiều người dân muốn vượt qua chỗ nước chạy xiết để lên mặt đê là nơi an toàn, nhưng do trời mưa, đường ngập dài, nên việc di dời gặp rất nhiều khó khăn.
Hiện tại, hầu hết người dân, cả người già, trẻ nhỏ, và toàn bộ tài sản của 11 xã ngoài đê của huyện Đức Thọ đang bị cô lập trong dòng nước hung giữ.
Quốc lộ 8A cũng hoàn bị ngập, trường học và cả trụ sở UBND nhiều xã trong và ngoài đê cũng đã bị ngập hết.
Không chỉ ngoài đê, ngay bên trong đê người dân cũng đang khẩn trương di chuyển tài sản, gia súc, gia cầm lên mặt đê để tránh nước ngập.
Ông Phan Văn Cảnh, thôn 4 xã Đức Điền, Đức Thọ cho biết, nước bắt đầu về từ hôm qua nhưng chỉ sau một đêm, đến nay đã vào hết trong nhà, làm hư hỏng hết toàn bộ lương thực, tài sản.
“Tạm thời gia đình mới chỉ di chuyển được 4 con trâu, 2 con bò và đàn lợn nái lên mặt đê. Còn lại, toàn bộ ao cá đã bị ngập, cá đi gần hết, 200 con vịt đẻ bơi khắp nơi chưa thể bắt lại được”, ông Cảnh cho biết.
Có mặt tại các xã trên địa bàn huyện Đức Thọ, Bí thư huyện ủy Nguyễn Văn Quý, cho biết: Hiện tại mưa đang nhỏ hạt hơn so với ngày hôm qua nên đây là thời điểm thuận lợi nhất để tổ chức lực lượng di chuyển người dân đến nơi an toàn, đặc biệt là người dân của 11 xã bị cô lập ở ngoài đê.
Nếu để tới đêm, thời tiết có thể xấu hơn, mưa có thể to hơn, sẽ càng khó khăn cho công tác di dời người và tài sản của nhân dân tới nơi an toàn. Quan điểm của ban chỉ đạo là ưu tiên di dời người già vả trẻ nhỏ trước, nhưng sẽ cố gắng tập trung toàn bộ nhân lực và phương tiện để đưa hết người và tài sản của nhân dân tới nơi an toàn.
Quốc lộ 8 bị tê liệt
Đường từ thị xã Hồng Lĩnh đi lên thành phố bị ngập, đi quốc lộ 8 ra đường mòn Hồ Chí Minh cũng bị ngập nặng, nhiều tuyến đường huyết mạch quang trọng bị cô lập. Chỉ đi ra khỏi thị xã Hồng Lĩnh nước đã sâu hơn 1m trên Quốc lộ 8, địa bàn xã Đức Thịnh. Nhiều phương tiện giao thông không thể hoạt động.
Ông Phạm Văn Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thịnh, thị xã Hồng Lĩnh, cho biết: Tại địa bàn xã có tới hơn 600 hộ bị ngập, chỗ sâu nhất hơn 2m nước, mực nước đã cao hơn trận lũ lịch sử năm 2007 tới 40cm. Nếu trời không mưa, từ nay tới tối nước có thể lên thêm 30 cm nữa, nhưng nếu trời vẫn mưa to như đêm thì chưa biết sẽ thế nào.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, tại thời điểm 12 giờ trưa, trên địa bàn huyện Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh trời đã bắt đầu ngớt mưa. Đây có thể coi là điều kiện thuận lợi đang ủng hộ người dân vùng lũ. Với thời tiết ủng hộ, nhiều người dân còn đang ở vùng bị cô lập sẽ có điều kiện di dời tài sản, gia súc, gia cầm tới nơi khô ráo, an toàn.
Thanh Xuân