Trưởng thôn Trần Văn Đào trong vườn rừng của gia đình. |
Năm 1985, chiến sĩ quân y Trần Văn Đào xuất ngũ. Về quê, anh đối mặt với cảnh đồi hoang, rừng vắng, đất sỏi khô cằn. Làm thế nào để gia đình mình và bà con trong thôn thoát được cái đói, cái nghèo - câu hỏi đó luôn trăn trở trong anh.
Xóa hủ tục
Giữa năm 1988, anh được giao làm y tế thôn bản, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. "Phụ cấp cho y tá xã ngày ấy mỗi năm chỉ 50kg thóc, nhưng tôi vẫn vui vì được chữa bệnh cho người nghèo”- anh Đào tâm sự.
Hơn 90% người dân Khuôn Giàn là đồng bào dân tộc thiểu số. Cuộc sống của họ chủ yếu bám rừng, du canh du cư. Ốm đau thì bà con mời thầy mo, thầy cúng về trừ tà ma. "Một lần có người bệnh bị cảm nặng khi đi làm rẫy về.
Hay tin, tôi vội vã đến xin gia chủ cho được khám bệnh, chích thuốc nhưng bà con nhất quyết không cho mà mời thầy mo về trừ tà ma. Gần nửa ngày "làm phép" mà ông thầy mo vẫn không đuổi được con ma dữ, tôi đến xin được thăm bệnh.
Người đó uống thuốc và qua cơn nguy kịch” - anh Đào nhớ lại. Từ đó, bà con trong thôn dần tin vào phương cách chữa bệnh bằng thuốc của anh Đào. Anh giải thích cho bà con, ốm đau thì phải trị bệnh bằng thuốc, còn bùa phép, cúng ma không chỉ tốn kém mà còn làm bệnh thêm nặng.
Các đơn thuốc anh kê được bà con tin dùng nhiều hơn. Các phương thức chữa bệnh bằng bùa phép của các thầy mo, thầy cúng dần được đẩy lùi. Người nào đau ốm đều tìm đến anh nhờ khám bệnh, cho thuốc uống. Anh Trần Văn Sênh kể: "Bây giờ, ai trong thôn chẳng may đau ốm đều tìm đến cán bộ Đào. Nó nhiệt tình lắm.
Một lần tao bị bệnh nằm giường gần một tháng trời, đi mời thầy cúng đến trừ tà ma cho, nhưng bệnh không đi. Tao tưởng chết rồi đấy. Cái vợ tao xuống mời thằng Đào đến. Nó tiêm và cho tao uống thuốc mấy hôm là tao đi làm nương được à. Giờ tao ốm là kêu vợ con đi mời thằng Đào đến thôi. Không cần thầy mo nữa".
Mách bà con làm giàu
Năm 1999, anh Đào được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, kiêm chi hội trưởng Hội ND, cộng tác viên dân số. Ở cương vị mới, không chỉ vận động bà con từ bỏ những hủ tục lạc hậu, anh Đào còn là điển hình về trồng rừng, nuôi lợn, gà... giỏi ở Khuôn Giàn để bà con học theo.
Năm 1992, Chính phủ ra nghị định về việc giao rừng và đất rừng cho hộ dân, anh bàn với bà con trong thôn nhận đất và đưa bạch đàn cao sản, keo lai vào trồng. Thời điểm đó có 30 hộ tham gia, trồng được gần 30ha đất đồi rừng. Đến nay, diện tích rừng đã phủ xanh hàng trăm ha... Nhiều hộ trồng rừng không chỉ thoát nghèo mà còn có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Điển hình như gia đình anh Đào nhận 1ha đất rừng của Đội lâm nghiệp huyện để trồng rừng cao sản, thu 30 triệu đồng/năm. Thu hoạch xong một chu kỳ, năm 2007 vợ chồng anh quyết định trồng keo lai và dự tính sẽ thu được 60 triệu đồng. "Bà con chúng tôi cảm ơn Đảng, Nhà nước và cả trưởng thôn Đào nữa, vì nó đã giúp bà con trong thôn thoát cái nghèo, xóa bỏ được những hủ tục lạc hậu để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn" - ông Trần Văn Cả, người dân thôn Khuôn Giàn, nói.
Những đóng góp của trưởng thôn Trần Văn Đào đã đem lại sự thay da đổi thịt cho Khuôn Giàn. Những ngôi nhà 2 tầng khang trang mọc lên ngày càng nhiều, dân bản giờ đây không còn phải lo cái ăn từng bữa nữa mà đã có tích lũy.
Hải Sơn - Đồng Chín