Dân Việt

Giải đáp nhiều khúc mắc

18/10/2010 14:46 GMT+7
(Dân Việt) - Nâng tuổi lao động (LĐ) nông thôn học nghề, giải quyết các vấn đề về tài chính... là nội dung được đại biểu các địa phương, thành viên Ban chỉ đạo T.Ư, Bộ LĐ-TB&XH thảo luận, tháo gỡ để thực hiện tốt hơn Đề án dạy nghề cho LĐ nông thôn tới năm 2020.

Hội nghị sơ kết 9 tháng triển khai công tác dạy nghề cho lao động nông thôn ở 10 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng đã được tổ chức hôm 16- 10 tại Hải Hậu, Nam Định.

Tài chính chưa hợp lý

Ông Nguyễn Viết Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định cho rằng: “Cơ chế, nguồn kinh phí, các định mức chi trong triển khai đề án chưa hợp lý, trong đó một số định mức như tuyên truyền, khảo sát, chiêu sinh, khai giảng, bế giảng tối đa 5% là không đủ. Vì trên thực tế, để thực hiện được thì các sở, các trung tâm phải chi ít nhất 10%”.

 img
Lớp dạy nghề may tại Trường Trung cấp nghề tỉnh Kon Tum.

Đồng quan điểm với ông Quý, đại biểu các tỉnh, thành Hà Nội, Hà Nam, Hải Phòng… đề nghị lãnh đạo Tổng cục Dạy nghề xây dựng các mức kinh phí sàn cho từng nghề được đào tạo, có kinh phí hỗ trợ các tuyên truyền viên để việc tuyên truyền có hiệu quả.

Bên cạnh những thắc mắc liên quan đến vấn đề tài chính, các đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng được tham gia vào chương trình đào tạo nghề cho LĐ nông thôn, đối với nữ từ 55 tuổi trở lên, đối với nam là từ 60 tuổi trở lên vì: “Đây là đối tượng vẫn còn làm việc, kiếm sống. Trong bối cảnh thanh niên di cư nhiều thì người độ tuổi này còn là LĐ trụ cột ở địa phương”.

Gỡ bỏ khúc mắc

Trả lời các câu hỏi liên quan đến tài chính, ông Phạm Văn Luyện – Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Dạy nghề) cho biết: “Kinh phí đào tạo nghề cho LĐ nông thôn đã được quy định rất rõ trong Đề án 1956, nếu kinh phí tổ chức lớp mà cao hơn kinh phí của Đề án thì các trung tâm dạy nghề phải đề nghị được hỗ trợ bằng nguồn ngân sách của địa phương”.

Về kiến nghị nên xây dựng mức kinh phí sàn cho từng nghề đào tạo, ông Luyện cho biết: “Tổng cục Dạy nghề đã phê duyệt chi phí đào tạo cho từng nghề trong khi các tỉnh tiến hành xây dựng khung kinh phí tổ chức lớp theo từng nhóm nghề.

Đây là một điểm các tỉnh nên xem lại, vì kinh phí đào tạo nghề phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố như thời gian, số tiền mà các trung tâm dạy nghề phải bỏ ra để tiến hành đào tạo nghề đó. Vì vậy Tổng cục Dạy nghề không thể xây dựng mức sàn kinh phí cho từng nghề được đào tạo, các tỉnh phải cân đối, xem xét điều kiện thực tế để có những phân bổ hợp lý”.

Tính đến hết tháng 9 – 2010, khu vực Đồng bằng sông Hồng đã có 100% tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh triển khai Đề án 1956. 8/10 tỉnh thành lập xong ban chỉ đạo cấp huyện, xã. 3 tỉnh phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. 10/10 tỉnh lựa chọn xong huyện điểm để thực hiện thí điểm Đề án...

Về việc thêm đối tượng được tham gia đào tạo nghề, ông Dương Đức Lân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: “Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều đối tượng đã quá độ tuổi LĐ nhưng vẫn đang là những LĐ chủ lực của gia đình.

Tổng cục Dạy nghề đã đề xuất cho phép những người đã qua độ tuổi LĐ vẫn được tham gia học nghề ở một số nghề đơn gian như mây tre đan, đan cói…”.

Về đề xuất tuyển dụng thêm cán bộ phục vụ cho công tác dạy nghề nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên, ông Nghiêm Trọng Quý - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho biết: “Hiện nay không có quy định cụ thể về biên chế của phòng quản lý đào tạo nghề tại các Sở LĐ–TB&XH. Theo Quyết định 1956/QĐ-TTg và Thông tư 29, hy vọng số biên chế này sẽ sớm được bổ sung để đôn đốc công tác đào tạo nghề tại các huyện”.