Nghề cực chẳng đã
Quyết định trên của UBND TP. Hà Nội phù hợp với điều kiện khách quan: Hà Nội là thủ đô của cả nước, cần có bộ mặt đẹp đẽ, gọn gàng, văn minh. Bán hàng rong không chỉ làm mất mỹ quan thành phố, mà còn dẫn đến rất nhiều các vấn đề xã hội khác như mất trật tự an ninh, vệ sinh an toàn thực phẩm, giao thông.
Cần có quy định về địa điểm được bán hàng rong trên địa bàn Hà Nội. |
Tuy nhiên có thể thấy bán hàng rong là nghề mưu sinh của hàng chục ngàn người dân nghèo ở Hà Nội và nông thôn lên. Đây là nhóm người không có nhiều vốn liếng và phải chọn hàng rong để duy trì cuộc sống. Anh Phùng Văn Nhị, quê ở Giao Thủy, Nam Định, hiện đang bán hoa quả rong chia sẻ: "Quê tôi vốn chỉ sống bằng nghề chài lưới.
Bây giờ công việc đi biển rất khó để kiếm sống nên vợ chồng tôi phải lên Hà Nội tìm việc. Nhưng ở đây những người không có bằng cấp như chúng tôi rất khó kiếm được một công việc đủ sống. Cực chẳng đã, chúng tôi phải đi bán hoa quả".
Khác với hoàn cảnh của anh Nhị, chị Nguyễn Thanh Tâm bán rau ở khu vực Bách Khoa cho biết, trước đây khi còn có sức khỏe chị kiếm sống bằng nghề phụ hồ, thợ xây. Nhưng sau một trận ốm sức khỏe chị yếu hẳn, đánh phải ở nhà trồng rau, ngô. Chị Tâm cũng giống như nhiều người bán hàng rong có nhà ở khu vực ngoại thành Hà Nội, chọn hàng rong để tìm đầu ra cho những sản phẩm nông nghiệp ít ỏi của mình.
Ngoài vấn đề chọn hàng rong làm kế sinh nhai của nhiều người, cũng cần phải nói đến tâm lý chung của đại đa số người dân thủ đô cũng đã "vô tình" giúp hàng rong phát triển. Không thể phủ nhận những thuận lợi của hàng rong như giá rẻ và tiện lợi.
Chị Thanh Vân ở phố Trương Định (Hoàng Mai), tâm sự, công việc của chị vốn không có nhiều thời gian rỗi, vì thế những lúc đi làm về chị thường tạt qua những gánh hàng rong để mua hàng, vừa rẻ, lại đỡ mất công gửi xe như ở các chợ và siêu thị.
Bên cạnh đó, khâu tổ chức và thực hiện chủ trương về cấm bán hàng rong trong khu vực nội thành cũng đang tồn tại nhiều bất cập, không tiến hành một cách triệt để và nhất quán. Thành phố ban hành quy định, nhưng lại chưa quy hoạch được những địa điểm bán hàng tạm thời, chưa có lực lượng chuyên trách bảo vệ văn minh đô thị.
Hiện nay, lực lượng duy trì trật tự, xử lý vi phạm chủ yếu là công an phường và dân phòng còn quá mỏng nên làm việc không hiệu quả. Việc xử phạt không nghiêm và có tính nể nang cũng dẫn đến tình trạng người dân thực hiện theo kiểu đối phó.
Thiếu giải pháp
Ông Lê Thiên Lý ở phố Hàng Bạc tâm sự: "Tôi đã sống ở Hà Nội gần 50 năm và chứng kiến bao đổi thay của thủ đô nhưng những gánh hàng rong vẫn vậy, vẫn là một nét rất xưa cũ và gắn bó. Nó giúp tôi nhớ về những năm tháng khó khăn ngày xưa. Vì thế sẽ thực sự tiếc nuối nếu Hà Nội vắng đi hình ảnh quen thuộc của những gánh hàng rong".
Không thể phủ nhận hàng rong tồn tại đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động phổ thông. Nếu kiểm soát quá chặt sẽ vô tình dẫn đến những hệ quả như đẩy người dân đến chỗ mất việc làm, cuộc sống của cả gia đình sẽ bị ảnh hưởng. Khi những người nghèo bị đẩy vào đường cùng, tệ nạn xã hội sẽ tăng lên.
Để giải quyết vấn đề này, theo các chuyên gia, nhà xã hội học, thành phố nên có những chủ trương hợp lí, như quy định rõ địa điểm và thời gian những người bán hàng rong được phép hoạt động, có biện pháp quản lý cụ thể.
Bên cạnh việc phải tái thiết lập trật tự đô thị, kiên quyết xử lý các trường hợp bán hàng rong vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, UBND TP. Hà Nội cần sớm có kế hoạch dài hơi như thành lập lực lượng chuyên trách xử lý những vi phạm trong trật tự đô thị, quy hoạch các chợ một cách khoa học cho từng khu vực…
Chị Đào Thị Tuyết, một người bán hoa quả rong trước cổng chợ Phùng Khoang cho biết: "Tôi thấy chủ trương của thành phố là đúng và sẵn sàng làm theo. Nếu thành phố thông báo cụ thể các điểm được bán cũng như thời gian cụ thể, thì những người bán hàng rong như tôi sẽ không phải mang tâm lý lo âu về việc mình có thể vi phạm ở bất cứ đâu, từ đó dễ dàng thực hiện đúng theo chủ trương của nhà nước".
Đó cũng là ý kiến chung của rất nhiều người bán hàng rong. Họ hiểu và ủng hộ quy định của thành phố và cũng muốn xây dựng một Hà Nội đẹp, văn minh hơn. Nhưng họ cũng cần được hiểu và thông cảm, khi trong một thời gian ngắn không thể thay đổi được nghề nghiệp của mình.
Đức Nhã - Hương Trà