Tại Diễn Châu, đến 13h chiều nay trời vẫn tiếp tục mưa to. Tại các xã như Diễn Phú, Diễn Lộc, Diễn Minh, Diễn Lâm, nước đang dâng nhanh, nhiều nhà dân bị ngập. Hai xã Diễn Lộc, và Diễn Phú bị cô lập trong biển nước.
Mực nước sông Cả (sông Lam) dâng cao |
Hiện chính quyền huyện huy động lực lượng công an, quân đội, dùng bè để ứng cứu. Chiều nay lực lượng cứu hộ đã đưa được toàn bộ hộ dân ở hai xã này về nơi trú ẩn an toàn.
Ông Nguyễn Ngọc Võ chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, các hồ đập, trong đó, có hồ Xuân Dương nước đang tiếp tục dâng cao, vượt sức chứa có nguy cơ bị vỡ.
Ở huyện Hưng Nguyên, lượng mưa xấp xỉ gần 600 mm, lũ đầu nguồn đổ về, nước sông Lam dâng cao đã làm cho các xã Hưng Lợi, Hưng Nhân và một số hộ dân của xã Hưng Châu ngập chìm trong nước, chính quyền các địa phương đã kịp thời sơ tán dân sang các xã Hưng Châu và lên những nơi an toàn.
Tuyến đê 42, đoạn đi qua xã Hưng Lam bị sạt lở, nứt hơn 100 mét.
Ở các xã vùng trũng như Hưng Yên Bắc, Hưng Yên Nam, Hưng Trung ngập chìm hoàn toàn và bị chia cắt. Các công trình thủy lợi, 252 cống tiêu thoát nước, 62 trạm bơm bị ngập sâu trong nước.
Tại huyện Yên Thành, 7 xã vùng trũng bị ngập chìm trong biển nước. ngập nặng nhất là xã Khánh Thành, Long Thành, nước lũ đã tràn vào nhà dân, có nơi sâu 1m.
Tuyến đê Viên – Bảo bị lở nhiều đoạn đã gây ngập và cô lập nhiều xóm, nước tràn vào nhà khiến 300 hộ dân ở đây phải di dời.
Đặc biệt, tuyến đường quốc lộ 7 từ xã Mỹ Thành đến Viên Thành nhiều nơi bị ngập sâu hơn 1,2 mét gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. 4.000ha cây trồng vụ đông, và hàng chục ha ao, ruộng nuôi cá của nông dân bị ngập hoàn toàn
Xã Nghi Xá (Nghi Lộc) vẫn chìm trong biển nước bị cô lập hoàn toàn không thể vào được. Hiện chính quyền huyện đã huy động lực lượng dùng thuyền, ca nô và bè đưa dân xã Nghi Xá đến nơi an toàn.
Lũ ngập nhà dân ở Nghi Xá |
Một số xã vùng sâu như Quỳnh Văn, Quỳnh Thanh, Quỳnh Hưng, Mai Hùng có 17 xóm bị cô lập. Các vùng ven biển, nước triều cường dâng mạnh khiến việc thoát nước không thể thực hiện được.
Hiện mực nước ngoài sông đang chảy tràn qua một số tuyến đê xung yếu, tập trung ở các xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Thanh, Quỳnh Diễn. Một số tuyến đê, hồ đập có nguy cơ tràn, vỡ.
Ông Nguyễn Thọ Cảnh - Giám đốc Sở NN&PTNT - Phó trưởng ban phòng chống lụt bão & tìm kiếm cứu nạn Nghệ An, cho biết:
“Hiện nay một số hồ đập, đê điều, kè cống bị hư hại. Nếu mưa lớn kéo dài, nhiều công trình xây dựng đã lâu sẽ không chịu được áp tải của nước lũ, nguy cơ hư hại vỡ hồ đập, đê điều là rất lớn. Diện tích cây trồng trên địa bàn toàn tỉnh sẽ không cứu vãn được. Nhiều xã sẽ bị cô lập và ảnh hưởng đến an toàn cho người dân.”
Theo ông Cảnh, để đối phó với tình hình cấp bách mưa lũ hiện nay, các đồng chí cán bộ lãnh đạo tỉnh, các đồng chí thành viên ban phòng chống lụt bão tỉnh đã về các địa phương phối hợp cùng với các ban phòng chống lụt bão các cấp, các công trình ứng cứu tại chỗ. Nhằm đạt mục tiêu không để thêm một người dân nào thiệt mạng, không để dân thiếu đói và tạo mọi điều kiện tốt nhất về phương tiện và lực lượng để ứng cứu nhanh tài sản, tính mạng của dân và của nhà nước, cùng các công trình giao thông và thuỷ lợi…
Tiến Dũng