Dân Việt

Dạy kỹ năng sống - thiếu dấu ấn

19/10/2010 15:24 GMT+7
(Dân Việt) - Năm học 2010-2011 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT quyết định lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống vào chương trình chính khóa bậc học phổ thông. Tuy nhiên, sự đổi mới này chưa thực sự tạo dấu ấn.

Không hào hứng

Một số tiết học được gọi là “học kỹ năng sống” xuất hiện trong môn tự nhiên, chương Con người và sức khoẻ của lớp 1, 2, 3 và môn Khoa học của lớp 4, 5. Cô Đỗ Thị Hà – giáo viên Trường Tiểu học Hưng Hoà (TP.Vinh, Nghệ An) cho biết:

“Ở các tiết này giáo viên hướng dẫn cho học sinh cách xử lý một số tình huống nhất định, ví dụ như bị dụ dỗ dùng chất kích thích, hay bị lôi kéo làm việc xấu… Tuy nhiên, số tiết này rất hiếm hoi và hầu như giáo viên không có sự đầu tư nhiều nên hiệu quả không cao”.

 img
Một tiết dạy kỹ năng sống tại Trường THCS Hoằng Hoá (Thanh Hoá). Ảnh minh hoạ.

Cô Hà cũng cho biết thêm: Ở các tiết học ngoại khoá, giáo viên thường né tránh việc xây dựng kịch bản tiết học, thay vào đó là cho học sinh học các môn khác, vì vậy học sinh tiểu học thực sự chưa được bồi dưỡng kỹ năng sống ngoài bản năng và tính cách tự hình thành.

Cùng quan điểm đó, cô Nguyễn Thị Thêu – giáo viên Trường THCS An Bài (huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) chia sẻ: “Học sinh ở các thành phố, thị trấn có thể tham gia học kỹ năng sống vào dịp hè ở các trung tâm văn hóa, còn học sinh nông thôn thì hầu như không biết gì về khái niệm này, thậm chí giáo viên còn rất mù mờ.

Ngoài học kiến thức của các môn chính thì các môn phụ như: Đạo đức, Hướng nghiệp, Kỹ thuật… có một chút tích hợp của việc dạy cách sống thì lại không được cả giáo viên và học sinh chú trọng. Nhiều lớp còn bỏ qua các tiết đó, hoặc cho học sinh ngồi chơi, dạy thêm các môn khác”.

Tại trường THPT Yên Khánh (huyện Yên Khánh, Ninh Bình), một số giáo viên cũng cho biết học sinh THPT không “hào hứng” với việc học kỹ năng sống. Có em còn cho rằng đó là những thứ “không học cũng biết”. Học sinh cá biệt thì hờ hững, còn học sinh chăm ngoan thì “bỏ qua”.

“Việc quan trọng nhất trong thời điểm hiện tại là ôn thi để có thể đỗ đại học, còn những thứ khác có thể học sau, học kỹ năng sống là học cả đời” – em Nguyễn Văn Lương (Yên Khánh, Ninh Bình) bày tỏ.

Cần và đủ

Môn học Kỹ năng sống hiện đang được kỳ vọng nhiều khi Bộ GD-ĐT khôi phục lại hệ chuyên. Lo ngại về việc học sinh chỉ chú trọng phát triển chỉ số thông minh (IQ) mà “bỏ qua” việc bồi dưỡng chỉ số cảm xúc (EQ), nhất là học sinh các khối trường chuyên, lớp chọn, Bộ GD – ĐT đã xây dựng và đưa vào thí điểm đề án phát triển trường chuyên với mục đích đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Theo đó, trí tuệ đi liền với phẩm chất đạo đức, thái độ ứng xử đi kèm kỹ năng sống được bồi dưỡng và tương lai sẽ đại trà mô hình này đến tất cả các trường học.

Theo TS Nguyễn Kim Dung – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (ĐH Sư phạm TP. HCM), hiện tại gia đình, xã hội và ngay bản thân học sinh quan niệm rằng sự thành công của một học sinh chuyên là các giải quốc gia, quốc tế và đại học… vì vậy học sinh chuyên thường có tâm lý đặt mình ở vị trí cao hơn các học sinh bình thường.

Sự kỳ vọng được đặt lên cao trào và khó chấp nhận thất bại, khi thất bại thì khó gượng dậy được… Đó là hệ quả của việc các em chưa có trong mình những kiến thức cơ bản về kỹ năng sống. Vì vậy, kỳ vọng của các chuyên gia giáo dục về đề án phát triển trường chuyên lần này không phải chỉ dừng lại ở quy mô mà còn ở chất lượng học sinh theo hướng đào tạo mới này.

Bà Lê Hồng Loan - Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc thì cho biết: “Tiếp xúc với nhiều trẻ em gặp những rắc rối trong cuộc sống như: Bị xâm hại tình dục, bị lừa bán, bị lôi kéo phạm tội… mới thấy trẻ em Việt Nam không được trang bị kỹ năng sống để tự bảo vệ mình trong những tình huống khác nhau, vì vậy dễ bị lạm dụng.

Việc dạy kỹ năng sống cần phải đưa ngay vào giảng dạy từ cấp tiểu học với những chương trình thích hợp với từng độ tuổi. Nó cần được xác định là điều kiện cần và đủ cho việc đào tạo con người”.

Bài 2: Những thử nghiệm

Trong môn học Kỹ năng sống, đội ngũ giáo viên đóng vai trò không nhỏ trong việc hoàn thành “sứ mạng” lồng ghép nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Tuy nhiên, ở khối tiểu học, THCS, nhiệm vụ dạy môn này hiện được giao cho giáo viên chủ nhiệm, nhiều người chưa được trang bị kiến thức, phương pháp giáo dục để dạy.

Còn ở cấp THPT, năm học này, Bộ GD-ĐT đã phát hành 5 cuốn tài liệu kỹ năng sống dạng lồng ghép qua các bộ môn đặc thù: Giáo dục công dân, Ngữ văn, Sinh học, Địa lý và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Ở khối này lại có rất nhiều giáo viên cùng giảng dạy, tạo nên tính không thống nhất khi cho học sinh thảo luận một vấn đề nào đó.

 Ông Bùi Ngọc Thanh- phụ huynh có con học lớp 6 và lớp 9- Trường THCS Phúc Thọ (Hà Nội) cho rằng, việc dạy trẻ về kỹ năng sống phải toàn diện vì hiện trẻ - dù ở quê hay thành phố - đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như game online, bạo lực học đường, nghiện hút, bài bạc...

Ngoài ra, thái độ của trẻ đối với các quan niệm đạo đức cũng cần được định hướng cụ thể hơn để các em phát triển cân bằng, độc lập, không dựa dẫm, ỷ lại. Tuy nhiên, tôi đọc phần hướng dẫn về kỹ năng sống trong sách của các cháu thấy ít nói về vấn đề này.