Người dân Hà Tĩnh dắt bò lên đê tránh lũ. |
Bỏ tài sản khác để cứu trâu bò
Đi dọc đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1A, quốc lộ 8, các tuyến đường liên tỉnh, liên huyện trên địa bàn Hà Tĩnh đều thấy người dân đang tất bật di chuyển, gia súc, gia cầm đến nơi an toàn.
“Sáng sớm ngày 17 tôi vừa kịp đưa hai cháu lên nhà bà ngoại ở trên đồi quay về thì nước đã ập vào nhà. Nước dâng nhanh chẳng kịp di dời tài sản gì ngoài con trâu và hai con lợn lên mặt đê. Trong nhà, có rất nhiều tài sản quý giá mà nhiều năm hai vợ chồng tích góp mới sắm sửa được nhưng làm nông thì ưu tiên hàng đầu vẫn là con trâu và con lợn” - ông Nguyễn Xuân Khanh (xóm 8 xã Phú Phong, Hương Khê, Hà Tĩnh) nói.
Dù vẫn mưa nặng hạt nhưng nhiều người vẫn chặt tre, căng bạt dọc các tuyến đường để làm chỗ trú ẩn cho gia súc. Trên tuyến đê La Giang, người dân 11 xã ngoài đê ngay sau khi di chuyển được gia súc đến nơi an toàn, họ tập trung dựng lều bạt và dành những phần lương thực cuối cùng còn lại để bảo vệ đàn gia súc của gia đình.
Ứa nước mắt nhìn “đầu cơ nghiệp” trôi sông
Không được may mắn như bao người khác, anh Hoàng Đình Hùng ở xã Đức Vịnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) buồn bã nói:
“Cũng tại mình chủ quan không di dời ngay từ chiều hôm trước, sau một đêm nước lên nhanh quá, vừa kịp đưa hai mẹ con nó lên đê, qua lại dắt con bò thì nước đã dâng cao, ngập cả lối đi duy nhất lên mặt đê. Lúc đó tiếc con bò, mình quyết định băng qua dòng nước, khi tới giữa chỗ nước chảy xiết thì cả người và bò bị cuốn đi. Cũng may, trôi một đoạn thì tôi dạt được vào cây to nên mới thoát chết nhưng còn bò thì… bị Hà Bá bắt mất”.
Bà Vũ Thị Minh (xã Sơn Kim 2, Hương Sơn, Hà Tĩnh)
Không chỉ có anh Hùng, rất nhiều người nông dân khác bị ngập nhà cửa, tài sản bị cuốn trôi và cả trâu, bò, lợn gà cũng đi theo dòng nước hung dữ. Ông Trần Hữu Bình ở xóm 3 xã Phương Điền, (Hương Khê) với vẻ mặt bần thần nói:
“Tôi vừa phải đi mổ vết thương cũ trong chiến tranh tại Viện 108, về tới nơi thì nước lũ đã ập vào nhà. Do tay tôi còn đau, một mình vợ chẳng kịp xoay xở nên con trâu, thứ tài sản lớn nhất trong nhà đã bị nước lũ cuốn đi”.
Tính đến nay, chưa có con số cụ thể về thiệt hại của cơn lũ lịch sử tại miền Trung nhưng số liệu mất mát ban đầu về người và của của một số địa phương là rất lớn, trong đó có cả gia súc gia cầm.
Tại địa bàn huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), tính đến chiều ngày 18-10 đã có ít nhất 17 con trâu, bò, 8.000 con gia cầm bị lũ cuốn trôi, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Tại huyện Hương Khê, Phòng Nông nghiệp huyện cho biết tính đến hôm qua tại đã có 152 trâu, bò, 700 con lợn bị chết.
Trao đổi với NTNN chiều 18-10, ông Phan Xuân Yên - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, trâu, bò là đầu cơ nghiệp, tài sản lớn của nhân dân nên huyện sẽ tính toán cụ thể để đề xuất lên tỉnh có mức hỗ trợ hợp lý cho người dân, tạo điều kiện cho bà con mua lại trâu, bò để sớm ổn định sản xuất nông nghiệp.
Thanh Xuân