Các chiến sĩ bên những kỷ vật kháng chiến. Ảnh: Hồng Vân |
Đại uý Thân Ngọc Huệ (Bảo tàng Hồ Chí Minh, Chi nhánh Quân khu 5) nói: "Những kỷ vật kháng chiến luôn mãi trường tồn, bởi nó có sức hút rất lớn với mọi thế hệ". Lời anh Huệ nói quả không sai. Tiền sảnh Nhà văn hoá đông kín người.
Nơi này các chiến sĩ say mê xem những bộ quân phục bạc màu, chiếc đèn măng xông, thắt lưng, bi đông, súng ngắn… gắn với các anh hùng, liệt sĩ, các vị tướng lĩnh một thời vào sinh ra tử; đằng kia, các học sinh, sinh viên như không dứt ra trước những bức thư tình thời chiến, có đóng dấu đỏ của quân bưu. Hơn 45 năm trôi qua mà những trang giấy pơ-luya vẫn phẳng phiu và tươi rói màu mực, chứng tỏ chủ nhân của nó đã trân trọng như thế nào.
Võ Thị Thanh Tâm, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng nói: “Em có cảm nhận, ngoài sự chiến đấu hy sinh ngoài chiến trường, có cả tâm tư người lính sau trận chiến. Em càng hiểu hơn cuộc kháng chiến thần thánh, vĩ đại của dân tộc mình để có ngày độc lập hôm nay".
Đại tá Huỳnh Phương Bá, một trong 15 nhân chứng được Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam tặng giấy chứng nhận người hiến tặng, ủng hộ kỷ vật nhiều nhất đã rất vui mừng: "Tôi nghĩ rằng kỷ vật kháng chiến không phải của riêng mình mà là của chung. Nó là minh chứng sống động của một thời chiến tranh tàn khốc mà cũng rất vẻ vang mà người lính chúng tôi đã trải qua".
Cả hội trường như lặng đi trước những ký ức, hoài niệm đầy mất mát hy sinh, tình đồng đội, đồng chí thiêng liêng, sâu sắc. Gần chục kỷ vật như những đứa con tinh thần mà các nhân chứng "dứt ruột" trao cho bảo tàng: Chiếc địa bàn, các khẩu súng ngắn, bi đông, chiếc thắt lưng, quyển nhật ký, chiếc nồi đồng… khiến người dự một lần nữa hiểu thêm về phẩm chất cao đẹp của những người từng đi qua chiến tranh.
Hồng Vân