Gí phân bón tăng cao, đang kéo lời lãi của nông dan giảm xuống. |
Ông Nguyễn Thanh Trang, nông dân thị xã Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long chua chát: “Tụi tui chưa hết buồn rầu chuyện lúa thu hoạch hè thu đã bán hết trước khi giá tăng, thì tới chuyện phân bón lên giá. Nhưng cái đáng nói là vụ chưa đến giá đã tăng trung bình 1.000-2.000 đồng/kg, không biết vô vụ rồi nó còn lên bao nhiêu nữa”. Nông dân Nguyễn Hữu Khanh (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) lo âu: “Ở vùng Tháp Mười chưa xuống giống được vì nước chưa rút nên giá phân chỉ nhích lên chút ít, chứ vô vụ rồi thì giá sẽ rất cao mà lúc đó thì tăng cỡ nào cũng phải mua”.
Theo tìm hiểu của PV, nhiều nông dân tính đến việc mua phân về dự trữ nhưng không dám làm vì không có chỗ chứa và tổn thất cao do bảo quản không tốt. Hơn nữa, bà con đã quen với việc mua phân và bón theo từng giai đoạn của lúa.
Một số nơi của Vĩnh Long hiện đã xuống giống sớm vụ đông xuân mong có lúa sớm để bán tranh thủ lúc giá cao, bù lại phần lỗ trong vụ trước, cũng khiến giá phân đội lên. Bà con hy vọng với giá lúa 5.000 đồng/kg thì có thể đủ tiền để mua phân bón vụ chính. Thế nhưng, hy vọng đó đang tắt dần khi mùa thu hoạch sắp rộ với 70.000ha, sản lượng đạt 4-5 tấn/ha nhưng lại không đủ lò để sấy lúa. Trong khi đó, mùa mưa đã về; lúa không được sấy tốt sẽ giảm chất lượng, giảm giá sâu.
Trước tình hình trên, Hội Nông dân Vĩnh Long đã yêu cầu các huyện hội trong tỉnh lập danh sách những hộ cần tiền mua phân bón. Sau đó Hội sẽ vay Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền từ 5-7 triệu đồng/ha cho mỗi hộ. Hội cũng kêu gọi người dân tương trợ nhau trong những lúc thị trường biến động như vậy.
Theo ông Trần Văn Trợ - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Hậu Giang, hiện nay nhu cầu phân bón của nông dân trong tỉnh chưa cao vì họ đang thu hoạch vụ thu đông. Việc Ngân hàng NN&PTNT không tính lãi số tiền mà nông dân đã vay ở vụ hè thu và vụ đông xuân sắp tới sẽ giúp bà con bớt lo lắng.
Ông Lê Quốc Phong - Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền cho biết công ty đang bán 80.000 tấn phân theo giá cũ đến hết tháng 10-2010. “Tới lúc đó thì nông dân đã có tiền để mua phân bón rồi vì vậy họ sẽ không phàn nàn nhiều khi phân tăng giá” - ông Phong nói. Theo khảo sát của Công ty Phân bón Bình Điền, hiện ở ĐBSCL nông dân đã bắt đầu mua phân dự trữ chứ không phải là đại lý dự trữ như mọi năm trước.
Hải Hân