Sự xuất hiện lần đầu tiên của những gương mặt chống tham nhũng trong Đại hội thi đua yêu nước lần thứ VIII ở tầm cỡ quốc gia, cho thấy việc tôn vinh những tấm gương này là muộn. Nhưng dù muộn, còn hơn không vì sự tôn vinh hôm nay, rõ ràng đã là sự ghi nhận chiến công, đôi khi chỉ rất nhỏ bé so với những mất mát, hy sinh mà họ đã phải chịu đựng.
Cách đây 62 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi thi đua ái quốc: "Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc. Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn. Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp. Đồng bào công nông thi đua sản xuất. Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh...".
Từ phong trào thi đua ái quốc, đã xuất hiện những gương sáng như Lê Mã Lương, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Ngọc Ký, Phạm Thị Vách... Đây là những tấm gương sáng đã đi vào lịch sử dân tộc và trở thành những thần tượng, niềm tự hào của lớp lớp thế hệ người Việt. Bác Hồ từng nói: "Một tấm gương sống, còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn diễn thuyết". Và hôm nay, có thêm không ít những tấm gương xuất sắc trong sự bình dị.
Một đại tá quân đội không tiếc máu xương, không quản hiểm nguy "chiến đấu" hàng ngày, hàng giờ với bom mìn còn sót lại, để cuối cùng, chỉ phát biểu giản dị rằng: Tôi đã làm tốt công việc của chính mình và đó là công việc có ích cho xã hội. Một "thương gia trứng" cung cấp một nửa số trứng cho thị trường TP. HCM với xuất phát điểm là đôi bàn tay trắng.
Một "vua khoai lang" miền Tây đã trồng, xuất khẩu những củ khoai mộc mạc đi khắp nơi trên thế giới với vô vàn những lần vấp ngã, và đứng dậy. Một nữ cựu binh ngay trước ngày tôn vinh về thành tích phòng chống tham nhũng còn bị những kẻ xấu trả thù.
Lối sống "mình vì mọi người" chưa bao giờ lạc hậu. 1.500 đại biểu, 1.500 "bông hoa đẹp" chưa phải là tất cả bởi "Người tốt không bao giờ ít hơn người xấu", bởi người tốt, việc tốt ở đâu và thời nào cũng có, bởi mỗi một tấm gương hôm nay là một tia nắng mặt trời sưởi ấm, nuôi dưỡng những mầm thiện, xua đi cái ác và sự vị kỷ.
Thi đua yêu nước, đôi khi giản dị chỉ là làm tốt công việc của mình, vì công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua, mà sự tôn vinh hôm nay chính là đạo lý "Lấy cái đẹp dẹp cái xấu".
Anh Đào