“Khi bơi thuyền đến gần người bị nạn, em chỉ kịp thấy một cánh tay giơ lên chới với rồi chìm dần. Em nhanh tay chộp được cánh tay đang chìm, dùng hết sức để kéo lên. Khi đưa được người bị nạn lên thuyền, em mới biết đó là một phụ nữ” - Chung hồn nhiên kể lại với tôi như vậy kèm theo một nụ cười bẽn lẽn. Người bị nạn sau đó được xác định là bà Trần Thị Mừng (47 tuổi, quê ở Nam Định, hiện sinh sống ở Kon Tum).
Anh Nguyễn Văn Chung, ân nhân của bà Trần Thị Mừng |
Bà Mừng là một trong số 18 người thoát nạn trong chuyến xe định mệnh bị lũ cuốn trôi vào lúc 4 giờ sáng 18-10 làm 19 người mất tích. Bà Mừng nghẹn ngào: Lúc đó, tôi đã kiệt sức không thể vùng vẫy, nhưng vẫn gắng hết sức kêu cứu. Rất may, anh Chung đã đến cứu kịp thời.
Nguyễn Văn Chung, sinh ra và lớn lên bên dòng sông Lam nên anh rất quen với cuộc sống sông nước. Bố mẹ Chung đều đã mất, 4 chị em phải nuôi nhau trong sự đùm bọc của bà con, anh em lối xóm. Chung sau khi tốt nghiệp THPT không có điều kiện học tiếp nên ở quê chăn nuôi, lao động cùng chị nuôi 2 em nhỏ ăn, học.
Chung kể cho tôi nghe công việc của Chung là bốc vác hàng cho một đại lý thức ăn gia súc gần nhà, theo xe đi rải hàng ở các cửa hàng chi nhánh, mỗi ngày làm việc được trả 50.000 đồng, thỉnh thoảng có được thưởng thêm do làm tốt công việc. Chung cho biết em vẫn rất muốn thực hiện được mơ ước của mình là học Mỹ thuật Công nghiệp nhưng đối với hoàn cảnh của gia đình em bây giờ điều đó quá xa vời.
Chiều 18-10, tôi đưa Chung vào thăm bà Mừng tại Bệnh viện Nghi Xuân. Khi biết Chung là ân nhân đã đưa mình từ cõi chết trở về, bà Mừng xúc động: “Em đã sinh ra chị lần thứ hai. Ơn này không gì trả được. Chị đã mất đứa con trai mà chị yêu thương nhất trong chuyến xe định mệnh, em cho chị được nhận em làm con của chị được không?”.
Khi biết Chung là người đã dũng cảm vượt qua lũ dữ cứu thoát chị Mừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Nhật - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Quốc Vinh và Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân đã ghi nhận, biểu dương hành động dũng cảm và tặng quà chúc mừng Chung.
Đình Thông