Dân Việt

Anh em ruột bỗng dưng thành... thông gia

29/11/2010 13:31 GMT+7
(Dân Việt) - Con anh lấy con em, con em lấy con chị không còn là sự lạ ở bản Nậm Ngá, xã Căn Co, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu nữa. Thường ngày chúng gọi nhau là anh là chị họ, ấy thế mà chúng hồn nhiên nên vợ nên chồng.

Đổi ngôi thứ

Mặt trời vừa khuất sau đỉnh núi, bầu đàn thê tử nhà ông Pánh - Công an viên bản Nậm Ngá đã tề tựu đông đủ. Ngôi nhà sàn rộng thênh thang được chia làm nhiều phòng, phòng nào cũng thấy quần áo vứt ngổn ngang. Bên bếp lửa, bà Lò Thị Bun - vợ ông Pánh đang nấu nồi cơm to đùng.

img
Ông Pánh (bên trái) và ông Trên vốn là anh em ruột, giờ là thông gia của nhau.

Mấy đứa nhỏ ôm cổ bà nhõng nhẽo đòi ăn. Bà Bun í ới gọi: “Em ơi! À quên ông ơi! Ông lấy tạm củ khoai cho chúng ăn đi”. Dường như trong cách xưng hô giữa bà Bun và chồng có gì đó còn ngượng ngùng.

Tôi hỏi ông về điều này, ông Pánh nhìn tôi với vẻ ái ngại: “Tôi với bà ấy là chị em cũng đúng, là vợ chồng cũng không sai”. Quá “sốc” trước câu trả lời của ông Pánh, nhưng qua cung cách ứng xử và xưng hô của con cái trong gia đình thì tôi tin lời ông Pánh nói là sự thực. Ông bà đã có với nhau 7 mặt con, giờ chỉ còn đứa út năm nay 14 tuổi là chưa lấy chồng.

Người Khơ Mú có quan niệm rất đơn giản trong hôn nhân: Mọi chuyện đều tuỳ đôi trẻ quyết định. Trai gái thích ai thì rủ nhau về nhà ngủ thăm. Nếu ưng cái bụng thì báo cho bố mẹ 2 bên tổ chức đám cưới là xong. Ngày ông Pánh còn trẻ thường đến nhà bác ruột chơi, thấy chị Bun xinh đẹp, ông đem lòng yêu mến. Sau nhiều lần đi lại, ông về xin đấng sinh thành tổ chức đám cưới. Ngày đầu, gia đình 2 bên cũng bất ngờ nhưng họ lại nghĩ chúng là chị em, giờ là con một nhà càng tốt. Thế là ông và bà Bun nên vợ nên chồng.

Không biết có phải ông Pánh “mở hàng” mát tay hay không mà đến thằng con trai của ông cũng theo ông làm cái việc mà xã hội vẫn cho là loạn luân đó. Thằng Phanh sinh năm 1986 cũng vừa cưới con Xanh – con của ông Lò Văn Trên (em ruột ông Pánh)... Ông Pánh đích thân dẫn chúng tôi xuống nhà ông thông gia. Họ gặp nhau vẫn chào nhau bằng anh, em như thường lệ. Cô bé Xanh đang lúi húi trong bếp thấy ông Pánh đến vội chào: “Cháu chào bác”. Câu chào vừa dứt, Xanh mới sực tỉnh và chào lại: “Con chào bố!”.

Vừa pha nước mời “ông thông gia”, ông Trên vừa phân trần: “Ở nhà tôi vẫn gọi bác ấy là anh. Khi ra làng nước, tôi coi anh ấy là thông gia. Mới đầu xưng hô còn ngượng, giờ quen rồi”. Thằng Phanh con rể của ông cũng vậy, chuyển từ gọi chú sang bố vợ cho phải đạo.

Hậu quả thấy trước mắt...

Từ lúc vào bản Nậm Ngá, chúng tôi thấy có sự lạ là nhiều đứa trẻ có nước da trắng bệch giống như người bị bạch tạng. Vào thăm nhà ông Lò Văn Bun trời đã nhá nhem. Căn nhà sàn chìm trong bóng tối. Ông Bun đi xiêu vẹo, giọng nói uể oải như người buồn ngủ. Ông bảo: “Chỉ trong vòng 3 năm mà tôi mất 2 đứa cháu nội. Chúng đều là con của cái Sương cả (con dâu ông, cũng là cháu gọi ông là cậu ruột). Hai lần sinh nở của cái Sương đều không trọn vẹn”.

Đầu năm 2009, Sương sinh hạ được đứa con gái. Cháu bé vừa chào đời được vài hôm thì mất. Giữa năm 2010, Sương sinh đứa thứ 2 là con trai. Tuy nhiên, cháu bé vừa lọt lòng mẹ cũng “đi”. Giờ đây, ông Bun đã lờ mờ hiểu về cái nguyên nhân vì sao 2 đứa cháu nội chết yểu. Bởi lẽ cách đây ít lâu, ông có hỏi bác sĩ thì họ bảo, 2 đứa nó kết hôn cận huyết gì đó thì con cái dễ mắc dị tật, trẻ dễ bị chết yểu.

Ông Bun đang nói dở câu chuyện thì vợ chồng Sương đi làm về. Sương có dáng người dong dỏng, cái mũi dọc dừa và khuôn mặt xinh xắn. Trái với vẻ đẹp đó, Sương đang mang trong mình nỗi buồn vô tận. Sau 2 lần sinh nở không thành, Sương ít nói hẳn.

Đúng ra chồng Sương là Lò Văn Ten phải gọi Sương là chị. Bởi lẽ mẹ của Sương - bà Lò Thị Pặc là chị gái của bố chồng Sương. Chẳng hiểu có phải do duyên số run rủi hay do 2 đứa hợp nhau mà từ nhỏ chúng quấn quýt lấy nhau như đôi bạn thân. Khi Sương 16 tuổi, bố Ten mang lễ sang nhà xin đón Sương về làm con dâu. Giờ thì ông Bun và bà Pặc là thông gia của nhau rồi.

Theo thống kê chưa đầy đủ của ông Lò Văn Pánh, ở bản Nậm Ngá có hàng chục trường hợp con cô, con cậu lấy nhau, anh chị em họ song song tức hôn nhân con dì – con già và hôn nhân con chú – con bác.

Mang chuyện kết hôn cận huyết ở bản Nậm Ngá ra hỏi cán bộ xã, họ chỉ bảo, không ngăn được đâu. Chúng thích là về ở với nhau thôi mà. Ngay cả những cán bộ bản cũng coi đây là chuyện thường. Các bậc sinh thành hoàn toàn không phản đối chuyện đó. Cứ như thế đời này sang đời khác, người Khơ Mú kết hôn cận huyết khiến con cái họ quặt quẹo, thiếu sức sống làm suy giảm giống nòi. Không ít đứa trẻ vừa chào đời đã phải lìa xa trần gian. Đó là những nỗi xót xa không gì bù đắp được.

Theo ông Dương Bá Trực - Trưởng khoa Huyết học Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương, những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh. Bệnh tan máu bẩm sinh là một ví dụ, trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao.

Thực tế y học đã chứng minh hôn nhân cận huyết thống là cơ sở cho những gen lặn bệnh lý tương đồng ở những ông bố, bà mẹ kết hợp với nhau và kết quả là dù khoẻ mạnh, họ vẫn có thể sinh ra những đứa con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu (không phân biệt được màu đỏ và màu xanh), bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời…