Đã thành tập tục từ ngàn đời, khoảng thời gian giữa tháng 12 dương lịch, khi cái rét của mùa đông đằm nhất, mùa màng đã thu hoạch xong, lúa ngô yên ấm nơi góc nhà sàn, là lúc đồng bào Hà Nhì ở miệt rừng Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) tổ chức lễ tiết đông, còn gọi là lễ Tỵ - Ngọ - Mùi. Gọi như vậy, bởi bao giờ, lễ cũng phải diễn ra trong ba ngày Tỵ - Ngọ - Mùi của tháng.
Đây là dịp để các gia đình tổng kết lại quá trình lao động, báo cáo kết quả với tổ tiên, dâng lễ vật cho thần linh để cầu mong năm tới được phù hộ làm ăn phát đạt hơn.
Quây quần làm bánh chuẩn bị cho lễ Tỵ - Ngọ - Mùi. |
Ngày lễ đầu (ngày Tỵ), phụ nữ trong nhà dậy thật sớm chuẩn bị gạo nếp để đồ xôi và giã bánh giầy. Bánh giầy phải giã bằng chiếc cối chung được đặt tại nhà trưởng bản, được giã đầu tiên là gia đình mẫu mực nhất do cộng đồng suy tôn, tiếp đó mới đến các nhà khác.
Có bánh, có xôi nhưng nhà nào cũng phải có một con lợn đực lông đen để thịt làm lễ. Theo quan niệm cổ xưa của dân tộc Hà Nhì, trước khi chọc tiết, những người đàn ông phải khiêng con lợn đặt vào giữa nhà để trình tổ tiên, sau đó dùng nước sạch dội tẩy uế ở đầu, cổ và đuôi lợn rồi mới đem làm thịt.
Trong ngày Tỵ, người chủ gia đình cúng tổ tiên 3 lần vào buổi sáng, trưa, chiều trước bữa ăn. Mâm lễ không thể thiếu bát rượu và 3 món là 1 miếng tim, 1 miếng gan, 1 miếng thịt nạc.
Khi hành lễ, tất cả con cháu, họ hàng có trong nhà phải đội mũ hoặc cuốn khăn đen, (không được đi giày dép, quàng khăn màu trắng) vào quỳ trước bàn thờ hoặc quỳ tại nền sàn gỗ và thực hiện theo động tác của chủ gia đình. Sau lễ mời tổ tiên, người chủ phải rót rượu mời bậc cao niên nhất trong gia đình ăn uống trước, sau đó mới chia cho vợ, các con trai gái, anh em họ hàng để tất cả đều được chia lộc...
Ngày lễ thứ hai (ngày Ngọ), các gia đình chỉ phải dâng cúng tổ tiên hai lần và lễ vật không có bát rượu mà là bát nước gừng, bát thịt, bát cơm, bát bánh. Ngày trước, ngày Ngọ còn là dịp cho các gia đình có con gái hoặc cháu gái được làm lễ xiên lỗ tai đeo đồ trang sức.
Ngày lễ thứ ba (ngày Mùi), là ngày lễ tổng kết, gia đình làm cơm cúng mời tổ tiên ăn uống rồi tiễn đưa tổ tiên về nơi ở cũ. Lễ vật buổi cúng cuối cùng giống như buổi lễ hôm đầu tiên. Ngày này chủ nhà cùng với vợ dậy sớm giúp nhau làm đồ lễ. Khi đã chuẩn bị xong, chủ nhà thay quần áo mới, đầu quấn khăn đen, vợ mặc trang phục truyền thống dân tộc phụ giúp cho chồng. Bà chủ đưa cho chồng một chậu nước sạch đầu nguồn để rửa các đồ lễ trong giỏ trước khi cúng...
Ngày Mùi theo quan niệm chính là ngày mà mọi người có thể thổ lộ những ước mong, khát vọng của mình để các bậc thần linh độ trì, chứng giám.
Vĩnh Minh