Dân Việt

Đòn bẩy từ chuyên canh rau màu

07/08/2012 09:35 GMT+7
(Dân Việt) - Chú trọng khâu dồn điền đổi thửa (DĐĐT), lấy sản xuất chuyên canh rau màu theo hướng sản xuất hàng hóa làm “đòn bẩy” để xây dựng nông thôn mới (NTM).

Đó là cách làm mới ở Võng Xuyên - xã được huyện Phúc Thọ (Hà Nội) chọn làm điểm trong xây dựng NTM.

Không cho đất nghỉ

Là xã thuần nông, nghề phụ ít, đời sống của người dân còn nhiều thiếu thốn nên khi bước vào xây dựng NTM, Võng Xuyên gặp không ít khó khăn, nhất là trong việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động và nâng cao thu nhập cho người dân… Tuy nhiên, đổi lại Võng Xuyên lại có lợi thế là nguồn lực lao động khá dồi dào.

img
Hành là một trong những cây hàng hóa đang mang lại hiệu quả cao từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Võng Xuyên (Phúc Thọ, Hà Nội).

Ông Khuất Văn Thảo– Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên cho biết: “Cả xã có 21 trang trại, với khoảng 23ha, tập trung chủ yếu ở các thôn Nghĩa Lộ, Lục Xuân, Võng Ngoại. Các trang trại chủ yếu tập trung vào chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Trong đó, xã đã dành 100ha để sản xuất lúa chất lượng cao, hoa quả và rau an toàn 80ha; trồng hoa, cây cảnh khoảng 17ha, còn vùng nuôi trồng thủy sản khoảng 43ha”.

Năm 2011, Võng Xuyên đã mạnh dạn triển khai thí điểm 30ha theo phương thức 4 vụ/năm, trong đó 2 vụ lúa chất lượng cao và 2 vụ rau. Theo đó, mô hình mới được xác định là lúa xuân chất lượng cao (từ tháng 2 - 5), lúa mùa sớm (tháng 6 - 9), đậu trạch (tháng 9 - 12), su hào muộn ngắn ngày (tháng 12 năm trước đến tháng 1 năm sau). Các giống lúa chất lượng cao như Nàng xuân, Bắc thơm số 7 đã được đưa vào thay thế giống lúa Khang dân, Q5.

Kết quả, lúa xuân sớm đạt năng suất 6 tấn/ha, thu nhập 54 triệu đồng/ha; lúa mùa sớm năng suất 5,5 tấn/ha, đạt 38,5 triệu đồng/ha; đậu trạch năng suất 25,2 tấn/ha, đạt 100,8 triệu đồng/ha; su hào 19 tấn/ha, đạt 77 triệu đồng/ha. Nếu tính tổng cộng mô hình này đạt trung bình khoảng 271 triệu đồng/ha.

Trong khi đó, ông Thảo cho biết thêm: “Trước đây, giá trị sản xuất nông nghiệp của xã chỉ đạt 70 - 80 triệu đồng/ha, một số ít diện tích đạt 100 triệu đồng/ha. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã giúp giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích tăng lên đáng kể. Do đó, đời sống của người dân cũng dần tăng lên. Đây là bước đột phá trong nông nghiệp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai mô hình này”.

Khó khăn trong dồn điền đổi thửa

Mặc dù kết quả đạt được trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất khả quan, nhưng hiện Võng Xuyên vẫn đang gặp khó khăn trong việc DĐĐT. Một trong những nguyên nhân là do, diện tích đất ở đây rất manh mún, có hộ lên tới 5 – 7 mảnh, chưa kể diện tích đất bình quân đầu người thấp, chỉ đạt 240m2/người.

Ông Đàm Văn Khánh- Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên chia sẻ: “Việc hoán đổi ruộng giữa các hộ dân rất khó do địa hình từng mảnh ruộng khác nhau, chỗ này tốt, chỗ kia xấu. Từ những khó khăn trên, chúng tôi đã thực hiện theo 2 phương án, một mặt để người dân tự hoán đổi cho nhau, mặt khác tiến hành chia lại theo tỷ lệ, hộ lấy ruộng tốt thì phải chịu thiệt về diện tích, hộ lấy ruộng xấu hơn thì diện tích được nhỉnh hơn một chút”.

Hiện Võng Xuyên đã đạt 8/19 tiêu chí trong xây dựng NTM. Tổng thu nhập toàn xã đạt 380 tỷ đồng/năm, trong đó nông nghiệp đạt 116 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân đạt 22 triệu đồng/người/năm.

Hiện Võng Xuyên có hệ thống đường giao thông tương đối hoàn chỉnh, tuy nhiên hệ thống thủy lợi lại đang xuống cấp trầm trọng, đây cũng là cản trở lớn trong phát triển sản xuất. Cả xã có 4 trạm bơm, thì 3 trạm đang xuống cấp, cần được đầu tư sửa chữa gấp. Ngoài ra còn có khoảng 37km kênh mương, trong đó hơn 90% là mương đất, việc tưới tiêu gặp rất nhiều khó khăn. Ông Thảo cho biết: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư vào cải tạo hệ thống kênh mương. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí của xã hạn hẹp, nên xã rất mong nhận được sự hỗ trợ của thành phố, Trạm Khuyến nông huyện”.

Được biết, UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu UBND huyện Phúc Thọ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở NNPTNT, Sở Tài chính... khẩn trương triển khai dự án xây dựng vùng sản xuất rau an toàn tập trung ở xã Võng Xuyên. Theo đó, Võng Xuyên sẽ dành khoảng 300ha để sản xuất rau an toàn, theo phương thức hàng hóa.