Dân Việt

Huyền bí đại thụ 600 năm tuổi: Giữ gìn báu vật của làng

07/08/2012 06:30 GMT+7
(Dân Việt) - Trải qua gần 600 năm tuổi, dù được người dân làng Dương Phạm tôn sùng như thần mộc nhưng cây dã hương cổ thụ vẫn đang đứng trước nguy cơ chết mòn.

Phát hiện xác rắn lột dài 3 mét

Khi đang chiêm ngưỡng cây đại thụ kỳ vĩ với bộ rễ nổi trên mặt đất tạo ra những hình thù kỳ quái có thể làm thỏa mãn những người có trí tưởng tượng phong phú nhất, chúng tôi may mắn gặp được bà Đinh Thị Lân - nguyên giáo viên văn - sử - địa Trường THCS xã Yên Nhân, nay tham gia trông nom khu di tích tâm linh văn hóa vật thể cây dã hương.

Bà Lân hào hứng chỉ cho chúng tôi xem ở chỗ thân cây cách mặt đất 1m mọc ra 2 rễ lớn dài đến 4m cuốn quanh miếu đá khi xưa. Năm miếu bị phá, rễ phải bị cắt đến tận nách cây, rễ trái bị cắt đến khuỷu nên nhựa ứ lại phình lên như cánh tay xắn áo của người mò cua, bắt ốc - xuất thân của bà Nhị Phi khi chưa tiến cung đình.

img
Bà Đinh Thị Lân kể về những chuyện lạ xung quanh cụ cây.

Bà Lân còn chỉ cho chúng tôi xem những hốc cây sâu thăm thẳm mà theo lời bà đó là nơi trú ngụ của đôi rắn đỏ được nhắc đến trong hương phả của làng. Bà Lân kể lại:

"Vào năm 1960, có lần ông nhà tôi đi câu cá ở cánh đồng lạc. Khi đang ngồi câu thì nghe thấy tiếng gió thổi ào ào, lạc rụng trôi đầy mặt ao. Ngay sau đó, ông nhà tôi trông thấy một con rắn to bò xuyên ruộng lạc. Sợ quá, ông vứt cần câu chạy về và từ đó không dám ra ao câu cá nữa".

Dù chưa được chứng kiến tận mắt 2 ông rắn bí ẩn này nhưng bà Lân khẳng định vẫn thường xuyên thấy xác lột của chúng to bằng bắp tay, dài đến 3 mét ở trong hốc cây dã hương. Những người đầu tiên phát hiện ra xác lột của đôi rắn này là 5 cựu chiến binh ở thị trấn Liễu Đề, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) trong một lần đến tham quan khu di tích cây đại thụ.

Cũng theo lời bà Lân thì cách đây mấy năm, có một du khách tự xưng là thầy trị rắn cắn ở tận Vĩnh Long ra thăm cây. Nhìn xác rắn lột, ông này khẳng định đây là loài rắn hổ mang cực độc. Tìm kiếm thêm, vị thầy lang này còn phát hiện ra một cây duối mọc ở gần miếu bà Nhị Phi có khả năng kháng nọc độc rắn hổ mang khi nhai đắp vào vết thương nơi rắn cắn. Từ đó, bà Lân luôn chú tâm chăm sóc cây duối này để phòng cứu người khi bất trắc xảy ra.

Khắc khoải chờ dự án bảo tồn

Theo quan sát của chúng tôi thì thân cây dã hương cổ thụ này đã bị mục ruỗng nhiều nơi. Tuy nhiên có một điều rất may mắn giúp cây đứng vững đến bây giờ chính là sự xuất hiện của một cây sanh cổ thụ mọc ký gửi trên thân cây dã hương cũng đến cả trăm năm nay và có tác dụng như một dàn cột chống vững chắc. Ông Nguyễn Văn Kiên - Trưởng ban bảo vệ di tích tâm linh văn hóa vật thể cây dã hương cho biết:

"Lúc đầu cây được gọi là mộc hương theo đúng tên ghi trong hương phả của làng. Thế nhưng khi tôi còn bé thì vẫn thấy các cụ gọi là cây xoan dã vì lá cây giống lá xoan. Mãi 20 năm sau, khi tôi đã trưởng thành, được đi đây đi đó nhiều nơi, tôi mới phát hiện ra cây đại thụ làng mình có tên khoa học là dã hương và chính là một loại cây quý hiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới".

Cách đây mấy năm, các cơ quan chức năng đã về Dương Phạm nghiên cứu và kết luận, cây dã hương ở đây có vòng tròn dưới gốc là 11m, đường kính giữa thân là 2,7m, cao hơn 30m và có tuổi đời gần 600 năm. Tháng 8.2007, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu đa dạng sinh học - Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội đã được mời về thôn Dương Phạm để nghiên cứu "cụ" cây.

PGS - TS Vũ Quang Mạnh - Giám đốc Trung tâm, đã đưa ra và áp dụng một số biện pháp bảo tồn cây như thả giun xới đất, bắt côn trùng gây hại… Năm 2008, địa phương tiếp tục mời Trung tâm Nghiên cứu diệt trừ mối về bơm 3 khối nước hòa với thuốc vào trong thân cây, phun thuốc diệt vi sinh vật gây hại cho thân và lá nhưng tất cả những nỗ lực đó vẫn chỉ như muối bỏ bể.

Dù chưa được chứng kiến tận mắt 2 ông rắn bí ẩn này nhưng bà Lân khẳng định vẫn thường xuyên thấy xác lột của chúng to bằng bắp tay, dài đến 3 mét ở trong hốc cây dã hương.

Ngày 10 tháng Giêng năm Mậu Tý (2008), một đoàn công tác của tỉnh về thăm và tuyên bố sẽ thành lập dự án bảo vệ báu vật này. Sau đó, UBND tỉnh đã cấp kinh phí làm con đường nối từ đường 56 về khu di tích với tên gọi dự án Cây dã hương.

Tuy nhiên, theo ông Kiên thì không hiểu sao Dự án với tổng vốn đầu tư lên đến 8 tỷ đồng này lại bỏ lại 200m từ đường làng vào gốc cây dã hương làm xấu cảnh quan và khó khăn cho du khách tham quan khu di tích.

Ông Kiên than thở: "Khó khăn lớn nhất bây giờ vẫn là nguồn kinh phí để lập dự án bảo vệ cây. Chỉ riêng sức dân Dương Phạm thì không thể gánh vác nổi. Tháng 6.2008, trên số 173 Báo Công An Nhân Dân Cuối tuần, chúng tôi đã rất vui mừng đọc được thông tin là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và Báo Công An Nhân Dân ủng hộ 300 triệu đồng để bảo tồn cây cổ và trùng tu miếu thờ. Tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được sự giúp đỡ này".