Như NTNN đã phản ánh, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư và Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) đã công bố kết quả điều tra kinh tế hộ gia đình nông thôn tại 12 tỉnh trên cả nước. Theo đó, dù kinh tế có khá lên, song nhiều hộ gia đình ở nông thôn đang gặp rất nhiều khó khăn, và những cú sốc lớn trong cuộc sống.
Phóng viên NTNN đã phỏng vấn TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách (Ipsard).
Nhiều hộ gia đình ở nông thôn còn chịu thiệt thòi (ảnh minh hoạ). |
51% tự sản, tự tiêu
Theo kết quả điều tra, đời sống, kinh tế đối với mỗi hộ gia đình nông thôn nước ta đang phát sinh một số vấn đề mới như kết cấu gia đình, thu nhập, lao động… Kết quả này có đại diện cho hiện trạng hộ gia đình nông thôn nước ta, thưa ông?
- Trước tiên, xin nói rõ, cuộc điều tra này được sự hỗ trợ của phía Đan Mạch thực hiện tại 12 tỉnh. Điều tra được tiến hành 2 năm một lần và là điều tra lặp, nghĩa là cứ sau 2 năm, chúng tôi lại tiến hành điều tra lại hộ gia đình đó để theo dõi sự thay đổi của họ. Điều tra này có hạn chế là, không đại diện được cho toàn bộ hộ gia đình nông thôn ở Việt Nam, song về cơ bản cũng đã xác định được 60-70% hiện trạng. Chúng tôi tập trung điều tra rất chi tiết từ kinh tế hộ gia đình nông thôn cho đến vốn xã hội, khả năng tiếp cận thông tin, cũng như rủi ro và bảo hiểm của mỗi hộ gia đình.
Điều tra lần này đi vào sinh kế của từng hộ dân nông thôn, chứ không chỉ điều tra mức sống, từ thu nhập, ngành nghề, tài sản, về số liệu từng mảnh đất, từng chi phí đầu vào, đầu ra và cả vốn xã hội, tiếp cận thông tin, rủi ro, bảo hiểm… Tổng quan chung, đời sống của người dân là khá lên, từ thu nhập, tiêu dùng, chuyển đổi việc làm, tài sản, tiếp cận tín dụng… so với thời điểm năm 2006 và 2010.
Tuy nhiên, có mấy điểm cần lưu ý là, mặc dù có khá lên, nhưng lên khá chậm, theo kiểu “nước nổi, bèo nổi”. Đặc biệt, có một nhóm bị “tắc”, không những không lên được, mà còn bị tụt xuống. Nhóm này chiếm trên 20% số hộ nghèo nhất, trong những năm qua số hộ này đã phải giảm đi 20% chi tiêu trong gia đình.
Theo kết quả điều tra vừa công bố cho thấy, khả năng tích lũy của các hộ dân nông thôn rất thấp. Ông có thể cho biết rõ hơn điều này?
- Đúng vậy. Khả năng tích lũy của các hộ thấp, nên không có khả năng mở rộng sản xuất, cộng với việc tiếp cận vốn ngân hàng còn hạn chế, chỉ có 49% số hộ tiếp cận được vốn, còn lại 51% số hộ vẫn tự sản, tự tiêu là chính. Tích lũy của các hộ dân chỉ đủ để tiêu dùng vào những việc xảy ra đột xuất trong gia đình như đau ốm, ma chay, cưới xin…
Hiện mức thu nhập trung bình ở nông thôn trung bình chỉ được 1 triệu đồng/người/tháng, cho nên nếu có cố tích lũy lắm, cả một hộ mỗi năm cũng chỉ tích lũy được 14-15 triệu đồng, chỉ đủ cho một lần đi bệnh viện là cùng.
Tách khỏi xã hội
Các hộ gia đình nông thôn hiện nay dường như đang bị bỏ rơi về mặt phúc lợi xã hội mặc dù họ đang chịu rất nhiều rủi ro. Thực trạng này đang diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Rủi ro đối với các hộ gia đình nông thôn ngày càng cao, cả về thiên tai, dịch bệnh, thị trường. Song khả năng chống đỡ của các hộ dân rất yếu, vì thu nhập thấp, cộng với hệ thống tín dụng, bảo hiểm còn yếu. Vì thế, để khắc phục rủi ro, các hộ thường phải tự xoay xở như bán bớt thóc, lợn hoặc cắt giảm chi tiêu trong gia đình. Nhìn chung, mức độ rủi ro đối với các hộ rất cao, chỉ cần một trận bão hoặc biến động về thị trường là họ có thể bị tái nghèo.
Ngoài những cú sốc về thiên tai, dịch bệnh, sốc về thị trường (giá đầu vào, đầu ra thay đổi) tác động lên toàn bộ các hộ, còn loại sốc thứ 2 là sốc cá nhân như trong gia đình có người ốm đau, bệnh tật, chết, rồi tổ chức ma chay, cưới xin. Thời gian vừa qua, tần suất các cú sốc ngày càng nhiều hơn, nhất là các cú sốc tác động đến toàn bộ các hộ như thiên tai, dịch bệnh nhiều hơn; thị trường biến động cũng nhiều hơn.
Tình trạng này có thêm một điều đáng lưu ý, đó là động cơ tích lũy không phải dùng để tái đầu tư, mở rộng sản xuất, mà chỉ tích lũy để giữ đấy, lúc nào có việc rủi ro, thì mang ra dùng. Trong khi đó, hiện các hộ dân rất ít tiếp cận được các dịch vụ bảo hiểm, nhất là bảo hiểm nông nghiệp.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn
Những phân tích như trên, chứng tỏ kinh tế hộ gia đình nông thôn đang rất bấp bênh. Nếu chúng ta không có những chính sách cụ thể để giải quyết vấn đề này, liệu có thể dẫn đến sự thay đổi trong cấu trúc của mỗi hộ gia đình?
- Nếu vẫn còn như hiện nay, tăng trưởng nông nghiệp rất khó lên cao và duy trì được, sẽ mất khả năng cạnh tranh, ảnh hưởng đến an ninh lương thực, xuất khẩu, giữ được mức thực phẩm sẵn có. Với 20% số hộ nghèo không lên được, mà cứ xuống cũng sẽ rất nguy hiểm, họ sẽ bị tách ra khỏi xã hội, dẫn đến nhiều hệ lụy xấu, gây bất ổn cho xã hội.
Do đó theo tôi, chúng ta cần có chính sách để rút bớt lao động ra khỏi nông nghiệp, tạo điều kiện cho số lao động còn lại tích tụ được ruộng đất để trở thành nông dân chuyên nghiệp, từ đó họ mới đầu tư được máy móc, nâng cao chất lượng sản xuất để họ nâng cao được sinh kế của mình lên. Trong khi đó, nhóm còn lại phải phát triển được các ngành nghề để rút họ ra, tốt nhất là những ngành nghề tập trung tại ngay khu vực nông thôn như các nghề chế biến lương thực, thực phẩm và cả làm nông nghiệp công nghệ cao.
Xin cảm ơn ông!
Lê Hân (thực hiện)