Dân Việt

Lúa gạo, cao su thắng lớn

28/12/2010 09:00 GMT+7
(Dân Việt) - Hôm qua 27-12, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2010 và triển khai kế hoạch năm 2011.

Chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đặc biệt lưu ý tới các vấn đề lớn của ngành nông nghiệp, nhất là lĩnh vực quy hoạch, phát triển của ngành.

Kim ngạch xuất khẩu đạt 19,15 tỷ USD

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, trong năm qua, mặc dù chịu tác động lớn của "hậu" khủng hoảng kinh tế, cũng như thiên tai, dịch bệnh, song ngành nông nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 2,8%, tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt gần 4,7%. Đối với lĩnh vực sản xuất, sản lượng lúa trong năm 2010 đã đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 39,8 triệu tấn, tăng 2,4% so với năm 2009.

img
Xuất khẩu cao su năm 2010 lần đầu tiên đạt 2,3 tỷ USD.

Đặc biệt, trong năm nay kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản đã đạt tới mức kỷ lục 19,15 tỷ USD. Cả ngành nông nghiệp có tới 6 mặt hàng lọt vào top câu lạc bộ có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là thủy sản 4,94 tỷ USD, đồ gỗ 3,63 tỷ USD, lúa gạo 3,23 tỷ USD, cao su 2,3 tỷ USD, cà phê 1,67 tỷ USD, điều đạt 1,14 tỷ USD.

Có thể nói, đây là năm ngành nông nghiệp "được mùa" trên cả hai mặt là sản lượng và giá cả. Trong đó, cao su đã tăng kim ngạch xuất khẩu gấp đôi so với năm 2009. Ông Lê Quang Thung- Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Cao su VN cho biết: "Năm qua, giá cao su đã tăng đột biến từ 1.000 USD/tấn hồi đầu năm lên đến mức 5.000 USD/tấn trong những tháng cuối năm và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới đây, nhờ thế ngành cao su thắng lớn".

Còn theo ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN: "Năm nay, tổng lượng gạo xuất khẩu nước ta đạt ít nhất là 6,7 triệu tấn, tăng 11% so với năm 2009, lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 3 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2011 ngành này sẽ chịu sự cạnh tranh của nhiều nước khác và ước chỉ xuất khẩu được khoảng 5,8-6 triệu tấn, thấp hơn năm nay".

Tập trung cho nông thôn mới

img Nhu cầu vốn cho Nông thôn mới năm 2011 là rất lớn, hiện đã có 47 tỉnh xây dựng kế hoạch vốn với 31.400 tỷ đồng. Do đó, nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới là phải tập trung lập quy hoạch ở các địa phương, đồng thời bố trí vốn hợp lý ở các chương trình. img

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành nông nghiệp trong nhiệm vụ 5 năm tới (2011-2015) đó là xây dựng và phát triển nông thôn mới (NTM) trên phạm vi cả nước, góp phần đẩy nhanh tốc độ thực hiện Nghị quyết 26 về vấn đề "nông nghiệp- nông dân- nông thôn".

Ông Hồ Xuân Hùng- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: "NTM là một chính sách lớn đang được triển khai thực hiện trên địa bàn cả nước. Đây là một chương trình, mục tiêu quốc gia lớn đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thông qua và tính đến nay đã có 85 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí về NTM, 100% các tỉnh, thành đã triển khai đánh giá thực trạng NTM".

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cho biết: "Tính đến nay, chúng ta đã triển khai Nghị quyết T.Ư 7 được 2 năm với 24 văn bản về các chương trình, nghị quyết, đề án đã được ban hành, triển khai.

Song nhiệm vụ của chúng ta vẫn chưa dừng lại, mà còn tiếp tục thực hiện trong nhiệm vụ 5 năm và chiến lược 10 năm, đặc biệt phải duy trì tốc độ phát triển ngành ở mức 4,5% vào năm 2020".

Phó Thủ tướng đánh giá: "Có thể nói, cho đến thời điểm này, Nghị quyết T.Ư 7 đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Do vậy, ngành nông nghiệp có 3 nhiệm vụ trọng tâm, đó là tập trung, tổ chức quy hoạch toàn diện theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả, tránh điệp khúc trồng- chặt, do đó phải tính toán rất kỹ trong vấn đề quy hoạch.

Thứ hai, là phát triển NTM. Xây dựng NTM phải gắn với đô thị, công nghiệp, chứ không thể nói nông thôn là chỉ có nông thôn. Người dân rất cần có một NTM với kết cấu hạ tầng tốt, giao thông phát triển, văn minh cùng đô thị, nối liền nông thôn với đô thị. Thứ ba, là chiến lược đào tạo 1 triệu lao động nông thôn với mục tiêu chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu của lao động nông thôn trong tương lai".