Dân Việt

Thành công sau những quyết định táo bạo

09/08/2012 09:52 GMT+7
(Dân Việt) - Ông Đỗ Đức Sáng (thôn 3, xã Đông Sơn, thị xã Tam Điệp, Ninh Bình) không chỉ giỏi kỹ thuật trồng dưa hấu, được người dân trong xã mệnh danh là "ông vua dưa hấu", mà ông đang tiếp tục thành công trong mô hình trang trại nuôi cây, con đặc sản.

"Để được thành quả như ngày hôm nay, tôi đã phải trải qua bao nhiêu gian truân, vất vả, có lúc phải trả bằng cả máu và nước mắt "- ông Sáng kể về những tháng ngày lập nghiệp trên đất Đông Sơn.

Trang trại nhà ông Sáng bây giờ chuyên nuôi cây, con đặc sản, nhưng ký ức về những năm tháng trồng dưa hấu trên vùng đất đồi vẫn còn khắc sâu trong tâm trí ông: “Quê tôi ở Lưu Phương, huyện Kim Sơn. Năm 1982, tôi xuất ngũ, lập gia đình. Hai vợ chồng cày cấy quanh năm gom góp được ít vốn. Lúc hay tin trên vùng đồi Nông trường Chè của thị xã Tam Điệp bán đất, tôi bàn với vợ mua để làm ăn. Chúng tôi mua 1ha đất với giá hơn 4 triệu đồng".

Năm 1997, gia đình ông chuyển lên vùng đất mới làm kinh tế. "Ngày ấy khu đất này chuyên canh chè, nhưng đa phần là đã cằn cỗi. Vợ chồng tôi phá chè, cải tạo đất trồng ngô, khoai, sắn. Nhưng đất bạc màu lại thiếu nước nên cây trồng không thể phát triển được. Tôi loay hoay tìm hướng đi mới. Trong một lần đến nhà bạn ở Hòa Bình chơi, thấy dưa hấu cho hiệu quả cao, tôi học hỏi kỹ thuật trồng và mua giống về quê trồng"- ông Sáng kể.

Ban đầu, ông trồng 1 sào, chăm sóc đúng quy trình nên dưa hấu phát triển rất tốt. Vụ sau ông tiếp tục mở rộng diện tích... Từ khi trồng dưa hấu, gia đình ông đã vượt qua đói nghèo, có tiền xây nhà, cho con cái ăn học. "Nhưng rồi, tuổi mỗi ngày mỗi cao, đất lại rộng, chúng tôi tính chuyển đổi hướng làm mới"- ông Sáng tâm sự.

Toàn bộ diện tích đất trong vườn được ông trồng các cây gỗ quý như sưa, trầm hương… và cây làm thức ăn để chăn nuôi gia súc. Năm 2007, ông đầu tư xây chuồng trại chăn nuôi con đặc sản như nhím, hươu…

Đến nay trang trại của ông đang nuôi gần 100 con hươu và nhím. Ngoài ra, ông còn nuôi 300 con ngan thịt. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông thu về từ trang trại hơn 300 triệu đồng.

Thành công ở gia đình mình, ông vận động bà con trong thôn, trong xã cùng làm. Không chỉ hướng dẫn bà con kỹ thuật, ông còn cung cấp giống, vốn cho bà con. "Tôi muốn bà con nhân dân trong xã, ai cũng làm được như tôi để thoát nghèo"- ông Sáng tâm sự.