Dân Việt

11% lao động xuất khẩu không có tích lũy

09/08/2012 10:10 GMT+7
(Dân Việt) - Viện Khoa học lao động và xã hội và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) vừa công bố nghiên cứu về thực trạng xuất khẩu (XKLĐ) tại Việt Nam và vấn đề “hậu” XKLĐ.

Nghiên cứu tiến hành trên 1.450 lao động tại 8 tỉnh thành phố, diễn ra trong 3 năm, với 4 thị trường chính là Malaysia và Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Theo đó, gần 89% LĐXK khẳng định có tích lũy sau khi XKLĐ trở về. Những người đi XKLĐ Nhật Bản và Hàn Quốc tích lũy được nhiều nhất và thấp nhất là đi Malaysia. Bình quân người lao động làm việc đủ 3 năm ở Nhật Bản tích lũy được 312 triệu đồng/người, Hàn Quốc là 243 triệu đồng/người, Đài Loan là 145 triệu đồng/người và Malaysia 51 triệu đồng/người.

Mức tích lũy này cũng tỷ lệ thuận với độ dài thời gian làm việc ở nước ngoài. Chỉ có 11% LĐXK là không có tích lũy, cá biệt trong số này có cả lao động làm việc tại các thị trường tiềm năng như Nhật Bản và Hàn Quốc.

img
Lao động Việt Nam tại một công ty chế tạo máy ở Hàn Quốc.

Tuy số tiền có được từ việc đi XKLĐ là không nhỏ, nhưng phần lớn người lao động “hậu” XK lại không hề biết sử dụng như thế nào cho hiệu quả. Phần lớn số tiền tích lũy được sử dụng để giải quyết các nhu cầu cấp bách của gia đình như trả nợ, mua sắm đồ đạc trong gia đình (10,59%)... Trong khi đó, việc đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh và đầu tư cho việc học hành còn rất hạn chế, chỉ chiếm tương ứng khoảng 8,79% và 3,67% tổng tiền tích lũy. Chỉ một số ít sử dụng tiền tích lũy để tiếp tục học lên, nâng cao trình độ (chiếm 7,41% trong tổng số lao động trở về từ Nhật Bản). Như vậy, có xu hướng người XKLĐ sẽ tiêu hết tiền kiếm được, không thể sinh lợi.

Cũng theo nghiên cứu, khó khăn chủ yếu của người lao động sau khi về nước là khó tìm việc (41,72% số lao động được khảo sát gặp phải khó khăn này), có tới 54% lao động “hậu” XK là tự làm hoặc làm việc kiểu hộ gia đình. Trong đó, chủ yếu vẫn là công việc giản đơn (chiếm 57,3% tổng lao động). Chính vì vậy, tỷ lệ lao động được ký kết hợp đồng lao động hay được tham gia bảo hiểm xã hội cũng còn rất thấp (chiếm khoảng 24%, chủ yếu là LĐXK từ Nhật Bản và Hàn Quốc).

Nghiên cứu cũng chỉ ra phần lớn người lao động vẫn gặp khó khăn trong hòa nhập thị trường lao động tìm kiếm việc làm, đặc biệt là những công việc có thể phát huy được kiến thức, kỹ năng mà họ thu nhận được trong quá trình làm việc ở nước ngoài. Chỉ một số ít có thể kiếm công việc có thu nhập cao hơn trước khi đi XK. Điều này dẫn tới lãng phí một nguồn lao động chất lượng cao. Ngoài những nguyên nhân như thiếu thông tin và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, thì nguyên nhân chính vẫn là do chính quyền, địa phương chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp để kêu gọi nhóm đi LĐXK về tham gia sản xuất, kinh doanh tại địa phương.