Dân Việt

Sự tuyệt vọng của những người đang cận kề cái chết

10/05/2013 06:20 GMT+7
(Dân Việt) - Có người đã hàng chục năm nay chưa một lần được tiểu tiện, sự sống của họ trông chờ hoàn toàn vào sự hỗ trợ của máy móc, của các y, bác sĩ. Nếu muốn duy trì sự sống, mỗi tuần họ phải “thay máu”, “lọc máu” 3 lần.

Ở nơi tột cùng của sự khổ đau, mất mát này, tôi đã bắt gặp và tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh nhưng tràn đầy tình nhân ái, yêu thương. 152 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa TP. Việt Trì, Phú Thọ (BV Việt Trì) là 152 số phận khác nhau, nhưng họ đều có một điểm chung là nghèo và bất hạnh. Tôi đã từng gặp không ít hoàn cảnh bi đát của những bệnh nhân ở “xóm chạy thận” gần Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhưng có lẽ họ vẫn còn may mắn hơn rất nhiều so với 3 bệnh nhân ở xóm chạy thận Việt trì mà Dòng Đời sẽ kể dưới đây.

 img
Một bệnh nhân đang chạy thận tại BV Việt Trì.

Bố mẹ ung thư, con suy thận

Hôm đó trời mưa, đường trơn trượt, nhếch nhác, tôi tạt vào quán nước cạnh cổng BV Việt Trì trú mưa. Trong quán, một tốp thanh niên đang quây quần chơi bài rôm rả. Tôi để ý, thấy tốp thanh niên này ai cũng gầy đét, da dẻ, mặt mày xanh xao. Lúc đầu tôi cứ nghĩ đây là “nhóm con nghiện” đang “sát phạt” lẫn nhau. Mãi sau tôi mới biết, họ là những người đang chạy thận tại BV Việt Trì. Người thì chờ đến ca chạy, người vừa chạy thận, vừa bán trà đá, chạy xe ôm kiếm sống. Vắng khách, vả lại trời mưa, họ sợ nước nên ngồi chơi bài "giết" thời gian.

Anh Phạm Anh Đức ở tổ 9B, khu 20, phường Gia Cẩm (TP.Việt Trì) cho biết: “Tổng điểm 52, ai về bét chịu búng tai 10 cái, hoặc trả tiền nước”. Trong câu chuyện, tình cờ tôi biết về hoàn cảnh éo le của Đức. Đức bảo, anh năm nay 32 tuổi, hiện vẫn “cô đơn” và đã có thâm niên 12 năm chạy thận. Năm 1996, khi Đức đang học cấp II thì bố mất do bị ung thư trực tràng.

Mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng Đức vẫn cùng mẹ co kéo để tiếp tục học hành. Trong suy nghĩ của anh, chỉ có học mới có thể thoát được nghèo. Sau khi tốt nghiệp Trường cao đẳng In Hà Nội, Đức xin vào làm việc tại Nhà máy In Công Đoàn. Làm được một thời gian, năm 2001, anh bỗng thấy trong người mệt mỏi, huyết áp cao, chảy máu mũi, nên vội vàng đi khám thì phát hiện bị suy thận. “Bác sĩ bảo, tôi bị suy thận do để lâu ngày không chữa dẫn đến suy thận cấp, nếu chậm chút nữa tôi khó giữ được tính mạng” - Đức buồn rầu nhớ lại.

 img
Đức và Vượng (từ phải sang) hàng ngày bán trà đá để kiếm sống.

Kể từ đó đến nay, tuần nào anh cũng phải vào viện lọc máu 3 lần. Chi phí cho việc chạy thận rất đắt đỏ, trung bình khoảng 12 - 18 triệu đồng/tháng. Những tháng đầu chưa có bảo hiểm, gia đình Đức gặp rất nhiều khó khăn. Trong nhà có gì đáng giá đều đã bán hết để chữa trị cho anh. Sau khi làm được bảo hiểm, anh chỉ phải trả 5% chi phí tiền viện, thuốc men. Do sức khỏe yếu nên hiện giờ, Đức sống nhờ vào hơn 1 triệu đồng tiền chế độ mất sức của mẹ anh là bà Phạm Thị Liên. Hiện số tiền anh vay nợ để chữa bệnh đã lên con số hơn 100 triệu đồng mà chưa biết bao giờ mới trả được.

Cách đây vài năm, mặc dù sức yếu, nhưng để có tiền cho chi phí ăn uống hằng ngày, ngoài những ngày phải chạy thận, Đức lại dùng chiếc xe máy cũ mượn hàng xóm để chạy xe ôm. Thời buổi người khôn của khó, ở cổng bệnh viện có đến hàng chục bác tài nên mỗi ngày anh cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng. Hầu hết bệnh nhân chạy thận đều phải kiêng nước nên anh sợ nhất là đang chở khách gặp mưa. Vì sức đề kháng yếu nên hễ gặp mưa là anh ốm ngay.

Tưởng rằng số phận nghiệt ngã với anh như vậy đã là quá đủ, nhưng một lần nữa “hung tin” lại giáng xuống đầu anh khi năm 2009, Bệnh viện K Hà Nội kết luận mẹ anh bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Năm 2010, mẹ anh phải mổ một lỗ cạnh hông để làm nơi đại tiện, vì bộ phận hậu môn đã hỏng hoàn toàn. Kể từ đó, mọi sinh hoạt, chi tiêu càng trở nên khó khăn hơn.

Giờ đây, cả hai mẹ con Đức đều suy kiệt sức khỏe và đang trong giai đoạn cuối của những căn bệnh quái ác. Nhiều lúc, Đức chỉ còn biết ngửa mặt lên trời khóc than cho số phận. Đức cho biết, hiện hai quả thận của anh đã teo lại chỉ còn bằng đầu ngón tay út. Tất cả chất độc, thải ra từ ăn uống đều tích vào máu nên người anh phù nề, rất mệt mỏi. Hơn năm nay, sức khỏe yếu đi trông thấy, mắt mờ nên anh không thể chạy xe ôm được nữa mà xin ngồi nhờ một góc vỉa hè cạnh bệnh viện để bán trà đá đắp đổi qua ngày.

Cậu bé mồ côi bất hạnh

Nghĩ bán trà đá đỡ vất vả không phải chịu nắng mưa như chạy xe ôm nên Đức vay mượn anh em bạn bè tiền làm vốn đầu tư bàn ghế, ấm chén bán trà đá. Nhưng không chỉ mưu sinh cho bản thân, Đức còn giúp đỡ một bệnh nhân cùng cảnh ngộ. Đức chỉ cậu thanh niên mặt phù nề, mắt kèm nhèm đang rót nước cho khách nói: “Nó bất hạnh lắm, lớn lên ở trại trẻ mồ côi, 18 tuổi ra ngoài đi làm được vài năm thì bị thận. Hôm vào viện trên người không một mảnh giấy tùy thân, không người thân thích, cũng may được một cô đi chăm người ốm tốt bụng giúp làm bảo hiểm và cho mỗi tháng 1 triệu đồng lo ăn uống, thuốc thang”.

Tôi hỏi tên tuổi, quê hương, cậu thanh niên bảo: “Em không có cha, mẹ, quê hương”. Em cho biết tên là Nguyễn Tiến Vượng, sinh năm 1986, lớn lên ở trại trẻ mồ côi Phú Thọ. Khi tròn 18 tuổi, trại cho em ra ngoài tự kiếm sống, Vượng xin đi nhờ xe xuống Hà Nội lang thang tìm việc. Em được một người rủ đi làm phụ vữa, đập phá nhà cũ.

Đã nhiều ngày đói lả vì không có ăn, nay được người ta cho ăn, Vượng coi họ như ân nhân nên “hùng hục” làm mà không cần biết công cán bao nhiêu. Vượng bảo, làm nghề phụ vữa rất vất vả và nguy hiểm, nhất là đập phá nhà cũ. Hơn nữa, mắt phải của Vượng đã bị hỏng, mắt trái chỉ còn 4/10. “Có lần em suýt bị bức tường đè bẹp, còn việc thanh gỗ, mảng tường rơi vào người là chuyện thường ngày. Nhiều đêm, em nằm mơ bị bức tường đổ đè lên người, em hét toáng lên. Tỉnh dậy thấy mình nằm trong lán công trường, người nhễ nhại mồ hôi, sờ lên mũi thấy vẫn còn thở mới biết mình còn sống” - Vượng bồi hồi nhớ lại.

 img
Mắt kém nên việc rót nước của Vượng khá vất vả.

Năm 2009, khi đang phụ vữa, đột nhiên Vượng bủn rủn chân tay, mặt mày xanh lét, máu mũi chảy loang lổ, những người làm cùng vội đưa đi cấp cứu. Sau hơn một tuần điều trị, Vượng ra viện với kết luận suy thận cấp. Trên đường về Phú Thọ, bệnh tiếp tục tái phát và em được đưa vào BV Việt Trì cấp cứu. Vì không có thẻ bảo hiểm, giấy tờ tùy thân, không người thân thích nên bệnh viện đã miễn chi phí chạy thận cho Vượng 1 tháng và cho xuất viện.

Tuy nhiên, với bệnh tình của Vượng thì chỉ cần 3 - 4 ngày không chạy thận là tính mạng của em khó giữ. Biết được hoàn cảnh của Vượng, cô Nguyễn Thị Hường, 52 tuổi, ở phường Thanh Miếu, TP.Việt Trì đã làm tặng em một thẻ bảo hiểm và tình nguyện cấp cho em mỗi tháng 1 triệu đồng.

Không có tiền thuê trọ, Vượng may mắn được cô Hoàng Thị Giang, bán tạp hóa cạnh cổng bệnh viện, cho ngủ nhờ và rồi Đức, Vượng kết thân với nhau. Hằng ngày, hai anh em cùng bán trà đá kiếm sống qua ngày. Hôm Đức chạy thận thì Vượng bán và ngược lại. Hai mảnh đời bất hạnh, không ruột rà, máu mủ, nhưng yêu thương, đùm bọc nhau còn hơn anh em ruột. Chợt Đức rùng mình lo xa: “Mẹ em yếu lắm rồi, em cũng vậy, Vượng thì mắt ngày càng kém, mặt phù nề vì không có tiền mua thêm thuốc, ăn uống bồi bổ. Không biết chúng em còn nương tựa vào nhau được bao lâu nữa!”.

Hơn 10 lần chết đi, sống lại

So với Đức và Vượng, có lẽ Nguyễn Văn Kiên, 33 tuổi, ở khu 5, xã Phương Xá (Cẩm Khê) là người may mắn hơn cả bởi dù sao anh cũng có vợ và một đứa con gái kháu khỉnh. Nhưng nghe Kiên kể, mới thấu hiểu được nỗi bất hạnh mà người đàn ông có khuôn mặt hiền khô đang phải gánh chịu. Kiên sinh ra trong một gia đình nghèo có 4 anh em, anh là con trai út.

 img
Chiếc xe máy mà anh Hải cho mượn là phương tiện kiếm cơm của Kiên.

Năm 2004, Kiên đi xuất khẩu lao động sang Malaysia theo chương trình hỗ trợ người nghèo của huyện. Không may, anh gặp phải công ty xuất khẩu lừa. Vừa sang được 1 ngày, chúng đưa anh vào khai thác gỗ ở rừng sâu. 3 năm nơi đất khách quê người, anh vẫn không đủ tiền trả “lệ phí” xuất cảnh.

Năm 2007, khi chuẩn bị về nước, lo món nợ vài chục triệu chưa trả được, Kiên tính khi về nước xong sẽ tiếp tục đi Tiệp. Nhưng khổ nỗi, Kiên vốn dĩ đã gầy gò, lại mất 3 năm lao động khổ sai nên cơ thể chỉ còn 45kg. Để đạt cân nặng, sức khỏe đi Tiệp, được một người mách loại thuốc tăng cân của Singapore, Kiên vội vàng mua về uống. Trong 1 tháng anh uống hết 75 viên và tăng lên 52kg. Mừng như “nhặt được vàng”, Kiên hí hửng về nước và chuẩn bị cho chuyến đi sang Tiệp với hy vọng sẽ tích cóp được ít tiền trả nợ.

Trong những năm ở Malaysia, Kiên đã gặp và yêu chị Nguyễn Thị Hòa, sinh năm 1984, ở xã Vĩnh Lại (Lâm Thao, Phú Thọ). Sau khi về nước, hai người đã tổ chức đám cưới. Cưới vợ được một thời gian, Kiên đi khám sức khỏe để đi Tiệp thì phát hiện ra bị bệnh thận. “Đúng hôm vợ sinh thì em vào viện cấp cứu. Bác sĩ bảo, một phần do em uống thuốc tăng cân nhưng nguyên nhân chính là do em bị lao lực khi làm ở Malaysia. Mắc bệnh lâu ngày không được chữa nên bệnh càng ngày càng nặng. Khi phát hiện thì bệnh của em đã ở giai đoạn cuối rồi” - Kiên chua xót kể.

 img
Từ sáng đến giờ Kiên chưa chạy được cuốc xe ôm nào.

Kiên cho biết thêm, khi ở Malaysia anh đã bị chết lâm sàng tới 7 lần. Có lần chết 4 - 5 phút, có lần chết khoảng 15 phút, có lần phải vào bệnh viện cấp cứu. “Tự nhiên đang đứng hoặc ngồi, người cứ xỉu dần đi, vã mồ hôi, mắt trợn ngược, mồm sùi bọt mép. Từ khi về nước, em bị chết lâm sàng thêm 3 lần nữa nên giờ em rất sợ ở một mình” - Kiên bùi ngùi tâm sự.

Năm 2011, bố Kiên sau một năm phát hiện bệnh ung thư trực tràng đã mất. Từ năm 2007 đến nay, bệnh viện đã trở thành “nhà” của Kiên. Cũng như Đức và Vượng, Kiên vay mượn mua được chiếc xe wave để chạy xe ôm. Trong những năm chạy xe ôm, mặc dù khó khăn nhưng với những người cùng cảnh ngộ, anh giúp không lấy tiền.

Người ta bảo “ở hiền gặp lành”, ấy thế mà Kiên lại gặp phải người bất nhân, vô đạo. Kiên kể: “Mùa hè năm 2009, khi đang đứng bắt khách trên đại lộ Hùng Vương, em gặp một người phụ nữ trạc 50 tuổi, ăn mặc sang trọng, tay, cổ đeo lủng lẳng vàng. Bà ta bảo chở về xã Kim Phương (TP.Việt Trì). Khi qua đoạn vắng người, bà bảo cầm hộ túi xách để bà cởi khẩu trang. Vừa xách túi xách lên, tự nhiên người em lịm đi, khi tỉnh dậy thì không thấy xe đâu nữa. Em báo công an, nhưng mãi chẳng tìm thấy”.

Biết được hoàn cảnh của Kiên, anh Lưu Văn Hải ở phường Nông Trang (TP.Việt Trì), người cũng đã 7 năm chạy thận cho Kiên mượn chiếc xe Wave RSX để kiếm sống. Kiên bảo, hiện mỗi tháng, tiền thuê trọ, tiền ăn, ti thuốc, viện phí hết khoảng 4 - 5 triệu đồng.

Anh chạy xe ôm, may chỉ lo đủ 2 bữa cơm qua ngày, còn lại đều phải vay mượn. Ngồi trong quán trà đá, nhìn ra trời mưa, Kiên thở dài: “Người chúng em chẳng khác gì “người cảnh” vậy, hễ dính vài hạt mưa là ốm ngay. Hôm nay mưa suốt, từ sáng tới giờ chưa chạy được cuốc nào. Nếu chiều trời tạnh, may ra còn kiếm được ổ bánh mì!”.

Chia tay những mảnh đời bất hạnh, tôi lao đi trong mưa mà cổ họng đắng ngắt và mắt cứ cay xè. Tôi thầm cầu mong trời mau tạnh, để Kiên, Đức, Vượng và những mảnh đời bất hạnh có thể mưu sinh, có thể tiếp tục tựa vào nhau để sống!

“Hiện bệnh viện có 152 bệnh nhân chạy thận nhân tạo theo chu kỳ. Hầu hết những bệnh nhân ở đây đều trong giai đoạn cuối. Đại đa số các bệnh nhân là những người nghèo, không có tiền đi khám, nên khi bệnh phát thì đã quá muộn.

Thông thường các bệnh nhân tử vong là do những bệnh lý như tăng huyết áp. Hiện bệnh viện có một “Hội chạy thận và những người bạn thân thiện” do bệnh nhân Nguyễn Ngọc Sơn ở thị xã Phú Thọ làm hội trưởng. Mỗi tháng, hội được bệnh viện hỗ trợ 3 triệu đồng để tổ chức phát cơm miễn phí cho các bệnh nhân” - bà Nguyễn Thị Thanh Thủy trưởng khoa thận, BV Việt Trì chia sẻ

Theo Dòng Đời