Từ ngày tôi lớn lên ở vùng trung du thấy cha mẹ khai hoang phá rậm, đến khi thành ruộng thành vườn thì nhận ra rằng đất càng ngày càng bị tận dụng đến kiệt sức. Bờ ruộng trước đây đủ cho trâu đi gặm cỏ. Bờ ruộng bây giờ như sợi chỉ, còn đặt nổi bàn chân làm các vạch ngăn nước, để dành thêm ra vài ba hàng lúa.
Đất cũng như người, sức dai sức bền nhưng không phải vô biên. Tất cả đều có những giới hạn. Nguy cơ luôn rình rập, quá giới hạn thì hãy coi chừng.
Khi sang Pháp, tôi thấy bên cạnh những cánh đồng lúa mì ngút mắt vẫn có những dải đất phẳng phiu để cỏ mọc tự nhiên. Cứ nửa tháng, máy cắt cỏ lại phạt cụt sát mặt đất. Cỏ bị lật xuống thối rữa trở thành phân mùn tăng đạm cho đất. Ba năm như vậy, hàng trăm lần cắt cỏ, đất có lớp mùn dầy thì bắt đầu tới chu kỳ trồng lúa mì. Còn rẻo đất trồng mì mấy năm nay được nghỉ ngơi để cỏ mọc lấy màu cho đất.
Lúa trồng trên mảnh đất ấy không phải dùng quá nhiều phân vô cơ lân đạm mà năng suất vẫn cao vì mùn hữu cơ tồn tích trong một vài năm từ cây cỏ. Đất như thế luôn xốp có chất lượng.
Bên ấy người ta chỉ canh tác lúa mì đủ dùng, còn lại giữ cho đất khỏe.
Tôi không thấy hãnh diện gì lắm khi ta “vắt” đất để đứng nhất nhì thế giới về xuất khẩu lúa gạo. Đó chỉ phản ánh việc chẳng đặng đừng là lấy sức đất bù cho các thiếu hụt khác trong phát triển kinh tế mà thôi. Còn khắc phục mảnh đất bạc màu về lâu dài là khó khăn vô cùng. Xưa, mùa nước lũ thì phù sa tràn đồng, cấp cho hàng triệu triệu tấn phân hữu cơ từ trên rừng núi. Giờ ngăn đê thì việc làm giàu đất không thể chờ vào thiên nhiên được nữa.
“Chúng ta đất hẹp người đông, không có đất cho nghỉ như đất Pháp”. Sẽ có người biện luận như thế. Có đúng không, chuyện này cần ngẫm và sẽ xin được bàn tiếp.
Đỗ Đức