Thành công vang dội của bộ phim, ngoài kịch bản hay, đạo diễn giỏi cùng sự diễn xuất tuyệt vời của NSƯT Nguyễn Chánh Tín (vai kỹ sư Nguyễn Thành Luân), Thanh Lan (Trần Thùy Dung), Lâm Bình Chi (Ngô Đình Nhu), Lý Kai (Cai Văn Mỹ), Jan Vô danh (gã đầu bạc CIA), Hoàng Sơn (Lại Văn Sang), Hùng An (Sáu Thưng), Nguyễn Cung (U Ba Thiên)…, không thể không nhắc đến vai trùm du đãng “Bảy Cầu Muối” qua diễn xuất của “kỳ thủ” Phan Hiền Khánh - diễn viên đến với nghệ thuật thứ bảy từ... bàn cờ tướng!
Phan Hiền Khánh vai đại úy lực lượng Bình Xuyên tại sòng bạc Đại Thế Giới. |
Phan Hiền Khánh sinh năm 1938 tại miền quê nghèo thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận). Những năm 80 của thế kỷ trước, khi nền kinh tế nước nhà trải qua giai đoạn khó khăn của cơ chế bao cấp, chàng trai tỉnh lẻ phải lặn lội vào Sài Gòn đạp xe ba gác lang thang khắp hang cùng ngõ hẹp mưu sinh bằng nghề thu mua “ve chai, lông vịt”. Rồi một ngày nọ, “người tình điện ảnh” bỗng dưng ghé qua và dừng chân trong cuộc đời kỳ thủ Phan Hiền Khánh khi anh tình cờ hội ngộ một vị ân nhân.
Bén duyên điện ảnh
Đó là vào cuối năm 1981, sau trận chung kết cờ tướng nghẹt thở thua sít sao “vua cờ” người Hoa Trần Qưới (Lát Chẩy), Phan Hiền Khánh đoạt hạng nhì giải vô địch cờ tướng toàn thành. Vừa lãnh giải thưởng xong, Khánh được một khán giả đi xem đấu cờ - diễn viên điện ảnh Trần Minh Dậu (nổi tiếng vai Ba Gia Cát trong phim Vụ án viên đạn lạc và đại úy cảnh sát đô thành trong Biệt động Sài Gòn) - vỗ vai làm quen và sau đó ngỏ lời… mời đóng phim bởi nét mặt Khánh dữ dằn rất “cinéma”, thích hợp với những vai giang hồ du đãng.
Đang lâm cảnh lận đận phải đạp xe kiếm cơm từng bữa, chàng trai tỉnh lẻ không chút e dè gật đầu cái rụp. Thế là người bạn mới quen tiến cử Khánh với đạo diễn Lê Hoàng Hoa (Khôi Nguyên) – người nổi tiếng với các bộ phim đình đám trước 1975 như 11 giờ 30, Bẫy ngầm, Vết thù trên lưng ngựa hoang, Điệu ru nước mắt, Con ma nhà họ Hứa, Triệu phú bất đắc dĩ, Hiệp sĩ bất đắc dĩ, 5 vua hề về làng…
Phan Hiền Khánh trong vai trùm du đãng Bảy Cầu Muối. |
Ngoài gương mặt bặm trợn, ánh mắt “gian gian”, vóc dáng thấp đậm, vai ngang, mái tóc xoăn tít, cặp môi dày quá khổ, Khánh còn có võ nghệ cao cường. Từng là môn đồ Thiếu Lâm thủy phong, võ sĩ trụ cột lò Mã Thành Long thi đấu hạng gà - dưới 52kg với võ danh Mã Thành Khánh, đồng thời là đệ tử chân truyền của “Võ vương quyền Anh” Minh Cảnh. Khánh nhiều lần thượng đài thi đấu quyền Anh và quyền tự do tại sân Tinh Võ, từng hạ knock-out nhiều tay đấm sừng sỏ như Từ Bạch Long (võ đường Từ Thiện), Hổ Bạch Vạn (võ đường Hổ Bạch Ân), Kê Hồ Sơn (võ đường Kim Kê)…
Vừa trông thấy gương mặt “sầu đời” của chàng kỳ thủ, ngay lập tức, đạo diễn Khôi Nguyên đã tin tưởng phó thác cho Khánh 2 vai diễn nặng ký trong bộ phim tình báo Ván bài lật ngửa là đại úy an ninh quân đội lực lượng Bình Xuyên và trùm du đãng Bảy “Cầu Muối” - tay giang hồ mã thượng “trọng nghĩa khinh tài”. Linh cảm nhiều năm lăn lộn trên phim trường mách bảo đạo diễn Khôi Nguyên rằng gã diễn viên tay ngang có ngoại hình “dễ sợ” này chắc chắn sẽ là gương mặt ấn tượng trong toàn bộ 8 tập phim Ván bài lật ngửa y như ông từng phát hiện ra Tâm Phan trong Vết thù trên lưng ngựa hoang. Vị đạo diễn tài ba quả đã không lầm.
Những vai diễn để đời
Sau vai diễn ấn tượng đến nỗi “chết” với hỗn danh trùm giang hồ “Bảy Cầu Muối”, tài năng Phan Hiền Khánh bay cao như diều gặp gió. Anh được rất nhiều đạo diễn ưu ái “trải thảm đỏ” mời tham gia đóng phim. Phần lớn những vai diễn của anh là nhân vật giang hồ, ác ôn côn đồ, biệt kích ngụy, Fulro, đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê như Tường sẹo (Những đứa con lạc loài), tướng cướp (Đi tìm người yêu), đại tá Fulro Hazoki (Cao nguyên F101), Bảy thẹo (Ân oán nợ đời), Tư mặt thịt (Đêm săn tiền), thiếu tá Châu (Những người báo bão), thuyền trưởng Đồng (Bảy sắc cầu vồng)…
Diễn viên điện ảnh Phan Hiền Khánh nay đã 75 tuổi. |
Cho mãi đến bây giờ, khán giả mê phim Việt thập niên 90 của thế kỷ trước hẳn chưa quên cảnh Bảy Cầu Muối phóng dao giết tên Thượng cứu thiếu tá Nguyễn Thành Luân trong Phát súng trên cao nguyên (Ván bài lật ngửa tập 2), du đãng Sáu Sỏi tung quyền phóng cước với chiến sĩ SBC Tư Thiệt (Thương Tín) trong quán cà phê Hoàng Hôn trên đường Lý Chính Thắng trong phim hình sự Vụ án viên đạn lạc, gã trưởng toán biệt kích Lôi Hổ nham hiểm xảo quyệt trong Chiến trường chia nửa vầng trăng, luật sư Hoàng áo đỏ - tên trùm tổ chức đưa người vượt biên trốn ra nước ngoài trong phim Tiếng gọi lúc mờ sáng… Vai nào chàng diễn viên tay ngang Phan Hiền Khánh cũng đóng ngọt sớt không thua gì dân chuyên nghiệp.
Hôm hay tin đạo diễn Khôi Nguyên từ trần, mặc dù đang mang trong mình nhiều căn bệnh hiểm nghèo (huyết áp cao, tim mạch, phì đại tuyến tiền liệt) nhưng ông vẫn tức tốc đón tàu hỏa vượt hàng trăm cây số từ Bình Thuận vào TP.HCM nghiêng mình thắp nén hương trước linh cữu người đạo diễn quá cố tài hoa – vị ân nhân đã có công lớn nhào nặn nên nhân vật huyền thoại “Bảy Cầu Muối” lẫy lừng trong làng điện ảnh nước nhà hơn 30 năm qua.
Qua 12 năm kết duyên với “người tình điện ảnh” (1981-1993), đến nay nhìn lại, “gia tài cinéma” của Phan Hiền Khánh cũng kha khá: 32 bộ phim. Sau khi tham gia vai tướng cướp (phim Chúng ta cùng say của đạo diễn Xuân Cường), “trùm giang hồ Bảy Cầu Muối” gây sửng sốt trong làng điện ảnh khi bất ngờ tuyên bố giải nghệ, lặng lẽ quay về quê nhà Bình Thuận sống ẩn dật trong căn hộ khang trang cùng vợ và 6 người con (3 trai, 3 gái), khước từ rất nhiều lời mời của các đoàn phim, bất chấp những khoản thù lao hậu hĩ.
Xuân Quý Tỵ 2013, diễn viên điện ảnh Phan Hiền Khánh đã bước qua tuổi 75. Hiện ông sống thanh thản tại căn hộ nhỏ nơi quê nhà Bình Thuận cùng những hoài niệm về một thời tung hoành trên màn bạc và trên võ đài. Các con ông đều đã trưởng thành nhưng ông không muốn dựa vào chúng. Hai vợ chồng già sống nhờ tiền lãi gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Thỉnh thoảng, chợt nhớ đến bạn bè, anh em, đồng nghiệp, ông lặng lẽ đón xe khách vào TP.HCM gõ cửa từng nhà tìm gặp những người bạn diễn trên phim trường thời bao cấp xem ai còn ai mất, chỉ để ngồi nhâm nhi cà phê ôn lại kỷ niệm của những ngày đóng phim gian khó.
Đó là những đồng nghiệp thân thương thời làm phim trong hoàn cảnh kinh tế “giật gấu vá vai” như Trần Quang, Nguyễn Dương, Tư Lê, Nguyễn Đình Thơ, “Hiệp sĩ mặt buồn” Trần Quang Hiếu, Long “rùng rợn”, Huy Hùng, Bích Liên, NSƯT Nguyễn Chánh Tín, Hoàng Sơn, Trần Minh Dậu, nhạc sĩ Nhật Minh, Quang Đại, NSƯT Lê Cung Bắc, Quang Đạt, Huỳnh Du… Nghe tin 3 người bạn thân là Dũng “inox” (vai đại úy Thổ phim Ván bài lật ngửa), Thanh “mỹ nữ” (vai đại úy Tình phim Ván bài lật ngửa) và Hiếu “Bình Đông” đã qua đời vì bạo bệnh, mắt “giang hồ Bảy Cầu Muối” chợt long lanh ngấn lệ.