Dân Việt

Đầu tư giao thông nông thôn: Phải đi trước một bước!

02/05/2013 11:50 GMT+7
(Dân Việt) - Xung quanh những vấn đề an toàn giao thông, quy hoạch giao thông cũng như tình trạng tai nạn giao thông ngày càng gia tăng ở khu vực nông thôn, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Thái – Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

LTS: Tháng 3.2013 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Đinh La Thăng và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Quốc Cường đã ký kết chương trình phối hợp về “Đẩy mạnh công tác giáo dục, vận động nông dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông”.

Từ số báo 105/2013, mỗi tuần một kỳ, Báo NTNN thực hiện chuyên trang Giao thông nông thôn với các chuyên mục: 360 độ giao thông, Điểm nóng giao thông, Lái xe an toàn… Chuyên trang sẽ tập trung phản ánh những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực này nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông, góp ý giải pháp xây dựng hạ tầng, phương tiện giao thông... qua đó góp phần xây dựng trật tự an toàn giao thông, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, xã hội... Báo NTNN rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp, cộng tác của các tổ chức, đơn vị, chuyên gia và đông đảo bạn đọc.

img
Đường giao thông ở xã Tràng Lương, Đông Triều (Quảng Ninh) được mở rộng và làm mới.

Ông Nguyễn Trọng Thái cho biết:

- Trong những năm qua, Đảng, Chính phủ đã quan tâm đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có phát triển giao thông nông thôn. Hệ thống đường liên huyện, liên xã và đường nông thôn đã được đầu tư, cải tạo, làm mới và đã có sự đổi thay rất lớn.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những sự đổi thay đó?

- Ngân sách T.Ư và địa phương cùng với khoản hỗ trợ phát triển của Ngân hàng Thế giới, sự đóng góp của người dân đã tạo nguồn lực quan trọng phát triển giao thông nông thôn. Chính từ các khoản đầu tư trong phát triển đường bộ này đã giúp mạng lưới đường bộ của Việt Nam mở rộng, nâng cấp nhanh chóng.

Mạng lưới này bao gồm 196.404km đường giao thông nông thôn, phục vụ khoảng 75% dân số cả nước và 90% người sống ở khu vực nông thôn cả nước. Điều này đã tạo điều kiện đi lại thuận lợi của nhân dân, nâng cao khả năng tiếp cận của các địa phương vùng sâu, vùng xa với các trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội… thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá tai nạn giao thông (TNGT) ngày càng gia tăng ở khu vực nông thôn trong thời gian qua, nhất là các tuyến đường liên thôn, xã, huyện. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Đúng là trong thời gian qua vấn đề TNGT ở các tuyến đường liên thôn, xã, huyện có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông ở vùng nông thôn còn thấp, còn tùy tiện; tình trạng vi phạm an toàn giao thông còn phổ biến như xe máy chở 3 người, phóng nhanh vượt ẩu, không đội mũ bảo hiểm, uống rượu bia vẫn điều khiển phương tiện…

Bên cạnh đó số lượng mô tô, xe gắn máy khu vực nông thôn tăng lên nhanh chóng do kinh tế phát triển, mặt khác bộ mặt nông thôn càng ngày càng thay đổi, đường sá được mở rộng tốt hơn, nhưng ý thức tham gia giao thông của người dân chưa theo kịp sự phát triển đường sá.

Vậy cần làm gì để giải quyết tình trạng TNGT ở nông thôn ngày càng gia tăng?

- Trước vấn đề đáng báo động này, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cùng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh cuộc vận động “Nông dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông” với 3 nội dung trọng tâm: Tuyên truyền, vận động người dân ở nông thôn thực hiện các quy định về đảm bảo TTATGT; tham gia xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn an toàn; phổ biến, hướng dẫn và vận động người dân kỹ năng điều khiển các phương tiện giao thông an toàn.

Trọng tâm là tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, nâng cao ý thức tự giác chấp hành quy tắc giao thông, tuân thủ quy định tốc độ, phòng chống việc uống rượu bia điều khiển phương tiện, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, an toàn đường thủy đối với khu vực nông thôn.

Về cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn tuy có sự phát triển mạnh mẽ những năm qua, song vẫn còn những tồn tại, bất cập (hệ thống đường nông thôn chưa theo kịp với tốc độ phát triển; chưa có quy hoạch đồng bộ mạng lưới giao thông …). Ông có thể nói rõ những bất cập và cần làm gì để tháo gỡ những bất cập đó?

- Hiện nay trên cả nước có trên 300.000km đường bộ, trong đó hệ thống giao thông nông thôn (đường huyện, đường xã, đường thôn) chiếm tới 85%. Vậy nhưng hệ thống đường giao thông nông thôn chưa được phủ kín và chưa có sự kết nối liên hoàn từ hệ thống đường tỉnh, đường huyện xuống vùng sâu, vùng xa, miền núi....

Quy hoạch kết cấu hạ tầng nông thôn hầu hết đều chưa có quy hoạch đồng bộ mạng lưới giao thông gây ảnh hưởng đến việc nâng cấp, cải tạo và phát triển sau này. Bên cạnh đó cơ cấu tổ chức quản lý hệ thống đường giao thông nông thôn cũng còn nhiều chuyện phải bàn.

Bởi vậy, các địa phương cần chú ý tới quy hoạch giao thông nông thôn; xác định đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn phải đi trước một bước trong xây dựng nông thôn mới, hiện đại hóa nông thôn.