Dân Việt

Vào “ốc đảo” cứu người Rục

21/10/2010 10:47 GMT+7
(Dân Việt) - Con suối hung dữ trên con đường độc đạo vào vùng đồng bào Rục bao ngày qua làm chùn chân nhiều đoàn cứu trợ. Ngày 19-10, phóng viên NTNN trở thành người đầu tiên của “thế giới bên ngoài” vào đến đây.

Lũ dồn lũ, gần một tháng nay, 600 đồng bào Rục (Thượng Hoá, Minh Hoá, Quảng Bình) ở các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ bị cô lập hoàn toàn.

Vượt lũ bằng... săm ô tô

Trước khi có ý định vào bản Rục, tôi điện thoại cho Trung tá Nguyễn Xuân Diệu - Đồn trưởng Đồn biên phòng 585 (đóng ở vùng đồng bào Rục), anh cho biết, hiện đồng bào đang mắc nhiều căn bệnh như đau mắt đỏ, cảm cúm, tiêu chảy... nhưng nguồn thuốc của trạm xá và đồn đã cạn hết.

 img
Sau khi đưa PV NTNN vượt lũ, ông Thuỷ quay lại chở 2 thùng thuốc mà PV mang theo vào vùng Rục.

Tôi liền ghé Trung tâm Y tế dự phòng huyện Minh Hoá xin 2 cơ số thuốc đem theo, đó cũng là động lực để tôi quyết định vượt lũ vào với đồng bào ngay trong ngày hôm đó.

img Đồng bào Rục có thói quen không ở một nơi cố định và cũng rất ít khi ở gần nhau nên việc tìm kiếm họ trong những hang đá giữa đại ngàn trong những ngày lũ rất khó khăn. img

Thế nhưng khi đến UBND xã Thượng Hóa, Chủ tịch UBND xã Cao Xuân Tạo lại chép miệng tiếc rẻ: “Phải chi anh đến sớm vài giờ, cán bộ xã mới vừa đi đây. Cả xã có một chiếc đò, họ đã đi rồi”.

Không thể quay lại, tôi đến nhà dân địa phương thuyết phục năn nỉ, cuối cùng ông Trần Xuân Thuỷ (thôn Mụ Ký) cũng chịu đưa tôi đi với điều kiện tôi phải cam kết rằng chính tôi... ép ông phải đưa đi, có chuyện gì xảy ra với tôi khi qua suối, ông không chịu trách nhiệm.

Ông nói gì tôi cũng gật, nhưng đến khi thấy “chiếc thuyền” tôi mới giật thót cả người - đó chỉ là một chiếc săm ôtô. Lòng tôi đầy hoang mang khi nhìn dòng lũ tung bọt trắng xóa và gầm thét điên cuồng trước mặt.

Một liều ba bảy cũng liều, tôi nhắm mắt xuống... “thuyền”. Ông Thuỷ thả dầm bên này, đảo bên kia liên tục, dầm vung lia lịa qua đầu tôi. Tôi cúi rạp người xuống, bám chặt hai tay vào thành “thuyền”, trời đang mưa mà mồ hôi đổ ra như tắm.

- Để vào được bản Rục, anh phải vượt qua 2 ngầm nước nữa - tiếng ông Thủy.

- Kệ, đến đâu hay đến đó. Mô Phật! - tôi khấn.

Qua được dòng suối thứ nhất, ông Thủy quay về, tôi leo dốc dẫn vào bản Rục và ngao ngán nhìn cái đầm nước mênh mông chắn ngay trước mặt. Tôi gọi điện cầu cứu anh Đinh Xuân Huy, một người Rục đặc biệt nhiệt tình mà tôi quen trong những lần lên bản công tác trước đó. Gần 1 tiếng đồng hồ anh Huy xuất hiện với chiếc thuyền nhỏ.

Theo anh Huy, đây là Hung Trâu (thung lũng Trâu). Ở đây năm nào cũng ngập nhưng chưa có năm nào như năm nay, nước ngập gần cả tháng nay rồi không chịu rút. Anh Huy chở tôi trên chiếc thuyền độc mộc vượt 2,5km Hung Trâu. Dọc đường tôi thấy nước lũ còn ngập lút hàng cột điện, trên cả những ngọn cây. Qua khỏi Hung Trâu, lại phải leo bộ qua 2 con dốc lớn dài 3km và vượt một con suối nữa chúng tôi mới đến được bản Rục.

Vào hang đá tìm người dân

img Cũng may, trước lũ, huyện Minh Hoá đưa vào bản Rục 10 tấn gạo cứu đói giáp hạt theo Chương trình 30a của Chính phủ và nhờ sự cưu mang của Đồn biên phòng 585 chứ không thì đồng bào đói ngắc ngoải hết. img

Khi đến bản Rục, trời đã tối, không điện, không đèn, cả bản chìm trong bóng đen. Tôi ghé nhà ông Trần Xuân Tư - Trưởng bản Ón, ở ngay đầu bản. Nhận ra người quen qua ánh đèn pin yếu ớt, ông Tư vui mừng níu vai tôi: “Anh là người dưới tỉnh đầu tiên vào thăm miềng. Từ khi đồng bào Rục miềng rời hang đá đến chừ mới thấy một trận lũ lớn như ri.

Lũ đã làm ngập 27 nhà dân gần tới nóc; cuốn trôi 270 con trâu bò - tài sản đáng giá nhất mà dân bản gây dựng được trong hàng chục năm qua. 20 ngày nay, nước lũ bao vây tứ bề. Người dân muốn đi đâu cũng không được, muốn vào rừng hái thêm nắm rau, xuống suối bắt con cá cũng không được”.

 img
Các chiến sĩ quân y Đồn 585 đến khám bệnh cho đồng bào Rục.

Kể từ ngày Đồn biên phòng 585 chuyển từ trung tâm xã Thượng Hoá về tại bản Rục (năm 2007), trong những ngày mưa lũ cô lập, đồng bào Rục đã không còn đơn độc. Họ đã có bộ đội biên phòng làm chỗ dựa trong những lúc nguy nan nhất.

Khi tôi đến nhà anh Tư cũng là lúc các chiến sĩ biên phòng và đoàn cán bộ xã Thượng Hoá vừa trở về sau một ngày vất vả tìm và đưa những người Rục đang mắc kẹt trong các hang đá trở về bản.

Thiếu uý Trần Công Lương người ướt sũng vì cả ngày dầm nước kể: Người Rục tuy đã sống định cư ở bản nhưng vẫn có thói quen trở lại hang đá sống để làm rẫy. Mỗi lần như vậy, một vài tháng họ mới trở về nhà. Tháng trước có 6 gia đình người Rục trở về vùng Ma Ma Ka Tắp sống trong các hang đá để làm rẫy. Khi cơn lũ dữ tràn về, họ đã không kịp trở lại bản. Sau lũ, bộ đội biên phòng vượt rừng, vượt suối lũ để đưa gạo đến cho đồng bào.

Hôm nay, có đoàn cán bộ xã Thượng Hoá lên, các anh lại một lần nữa lặn lội cùng đoàn cán bộ xã đưa thêm gạo về cho họ. “Từ đây xuống Ma Ma Ka Tắp gần 10km, đồng bào Rục lại có thói quen không ở một nơi cố định và cũng rất ít khi ở gần nhau nên việc tìm kiếm họ trong những hang đá giữa đại ngàn, đặc biệt là trong những ngày lũ này rất khó khăn. Đến tối chúng tôi mới tìm được và kịp đưa vợ chồng ông Cao Bằn đang bị sốt rét và vợ chồng Cao Tường có đứa con nhỏ đang ốm ra để chữa bệnh” – anh Lương nói.

Thiếu tá Võ Công Thức - cán bộ Đồn biên phòng 585 cho biết: Đêm 4 – 10, khi lũ lớn tràn về, nhiều bà con cứ tưởng nhà mình đã ở nơi cao nên chủ quan. Mãi đến khi nước tràn cả vào nhà mới hốt hoảng kêu cứu. Trắng đêm, anh em biên phòng mới đưa được hết người và tài sản của bà con đến nơi an toàn...

Lạy trời, đừng mưa nữa

Đêm 19 -10, tôi ở lại bản Rục mà không tài nào chợp mắt được. Ngoài kia, trời vẫn không ngừng đổ mưa. Tiếng mưa rơi, tiếng nước suối đổ ầm ầm xé toang màn đêm đen kịt của núi rừng. Nằm bên cạnh tôi, Thiếu tá Võ Công Thức cũng liên tục cựa mình. Đã 20 ngày trôi qua, anh Thức và đồng đội vật lộn với cơn lũ lớn để giúp đồng bào, cùng chịu cảnh bị cô lập, chia cắt không điện, không đường, không trường, không trạm.

Anh nói với tôi: “Bây giờ đồng bào đang còn ít gạo để ăn, nhưng thức ăn, mắm muối thì đều đã cạn hết rồi. Đặc biệt là thiếu thuốc chữa bệnh và xử lý nguồn nước. Ông Trần Xuân Tư - Trưởng bản Ón - cũng lo lắng không kém: “Còn ít gạo đó, nhưng ngồi mà ăn thì gạo mấy cho đủ. Chỉ mong trời đừng mưa nữa, nước rút, có đường vô xã, huyện mới đưa hàng cứu trợ vào. Nếu không, mấy ngày nữa hết gạo, bà con đói mất”.

Trong những ngày bị lũ cô lập, đồng bào người Rục sống rất tiết kiệm, dè sẻn. Sáng sớm, chị Cao Thị Lý đã dậy sớm đâm pồi (thức ăn được làm từ ngô và sắn) để ăn thêm. Bên góc nhà, bao gạo được xã cấp mấy ngày nay vẫn còn nguyên. Chị Lý nói: “Phải tiết kiệm mới cầm cự được mùa lụt. Mưa lũ như ri, phải cả tháng nữa nước ở Hung Trâu mới rút nước, miềng mới có thể đi kiếm cái ăn được”.

Trưa 20 - 10, khi tôi trở ra, từng cơn mưa lớn vẫn không ngừng đổ xuống, nước lũ vẫn bao vây, bản Rục như một ốc đảo. Lạy trời đừng mưa nữa! Sức chịu đựng của đồng bào sắp cạn.