Phim trường là thiên đường
Muốn phát triển nền điện ảnh, VN cần vô vàn điều kiện. Muốn điện ảnh thực sự chuyên nghiệp, không thể thiếu các phim trường - trường quay! Đây là suy nghĩ chung của nhiều người tâm huyết suốt hàng chục năm qua, khi mà số phim VN ra đời vốn rất ít ỏi, lại phải "lần hồi" đủ thứ, "chạy quanh" để tìm bối cảnh, lo không gian một cách chật vật.
Trường quay Cổ Loa đang được nâng cấp, sửa chữa phục vụ việc làm phim thời gian tới |
Cho đến nay, những phim trường đa năng, hoành tráng và chuyên nghiệp mà nhiều nghệ sĩ được tham quan trong những chuyến đi Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ… vẫn mãi là ước vọng xa vời.
Đạo diễn Bùi Tuấn của VTV ước ao: “Nếu có một phim trường tốt, đầy đủ, khâu sản xuất phim sẽ nhanh chóng, chủ động. Đạo diễn, diễn viên, quay phim được chuyên tâm làm việc của mình mà không phải lo lắng và tốn quá nhiều thời gian, công sức, kinh phí cho việc di chuyển, dàn dựng, thay đổi…”.
Phim trường được coi là một trong những yếu tố tiên quyết nhằm đảm bảo tiến độ làm phim, tạo được sự đồng bộ trong công nghệ và nghệ thuật, góp phần giải quyết bài toán kinh tế một cách nhanh chóng, khoa học, giúp rút ngắn công đoạn làm phim, quay vòng sản xuất kịp thời.
NSƯT đạo diễn Vương Đức - Giám đốc Hãng phim truyện VN nhấn mạnh: “Một nền điện ảnh muốn chuyên nghiệp không thể không có trường quay. Như khi quay một căn phòng của sinh viên trong ký túc xá thời xưa buộc phải có trường quay. Vì thực tế, phòng ký túc xá rất hẹp, không có chỗ đưa ánh sáng, máy quay vào, không cho phép tạo được góc quay theo đúng ý của đạo diễn hoặc thu tiếng trực tiếp…”.
Thực trạng èo uột
Nhưng ước thì ước vậy, những gì gọi là phim trường mà ĐAVN đang có hôm nay khiến nhiều nghệ sĩ lắc đầu ngao ngán. Thậm chí như lời hoạ sĩ Trần Quang Minh - Trưởng bộ môn thiết kế mỹ thuật điện ảnh, Trường ĐH SK&ĐA Hà Nội, hiện nay chúng ta không có một phim trường nào, chứ đừng nói đến một cái đạt chất lượng, đầy đủ trang thiết bị.
Thực tế, vẫn có một nơi mà lâu nay người ta gọi là "trường quay Cổ Loa" - là "kinh đô điện ảnh nước nhà", được hình thành từ tận năm 1959, nằm ở xã Cổ Loa, huyện Đông Anh (Hà Nội). Gần đây nó vẫn được "trưng dụng" cho phim "Huyền sử thiên đô", "Thái sư Trần Thủ Độ" hướng về nghìn năm Thăng Long.
Tuy nhiên, do công nghệ, vật liệu, kỹ thuật xây dựng thời trước hạn chế, lại không được bảo quản, sửa chữa thường xuyên, nay các hạng mục trên đã hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng. Còn Hãng phim truyện VN hiện có hai trường quay nhỏ 450m2 và gần 700m2 được tận dụng từ... gara thủy phi cơ của Pháp trước đây. Trong đó, "phòng bé" thì đã cũ, giá gỗ treo đèn đã mục nát...
Khổ trăm bề!
Thiếu thốn quá, nhiều khi những ý tưởng hay và khả năng sáng tạo tự do không "ló" ra nổi. Đạo diễn cuống cuồng lo chọn bối cảnh, hoạ sĩ lúng túng khắc phục hiện trường, đoàn phim di chuyển, vận chuyển vất vả…
NSƯT Trần Lực -
Giám đốc Hãng phim Đông A
Không trường quay khiến mọi thứ bị "đội" lên từ kinh phí đến thời gian, công đoạn. Nhiều khi lại phát sinh những chuyện ngán ngẩm. Như muốn quay nội cảnh thường phải thuê nhà dân, phải tạo dựng và thiết kế lại cho phù hợp bối cảnh phim. Nhưng được việc mình thì ảnh hưởng đến cuộc sống chủ nhà.
Có lần đang quay thì chủ nhà "cắt", lại phải tìm chỗ khác. Hoạ sĩ Quang Minh hài hước: “Họa sĩ thiết kế bây giờ còn kiêm thêm cả nhà ngoại giao, phải dẻo mồm, quanh thắt lưng "dắt" mấy cái nhà: Chung cư, tập thể, cấp 4, biệt thự, nhà quê, nhà phố…
Một số ví dụ phim và đoàn làm phim bị dư luận phản đối gần đây cũng một phần xuất phát từ việc không có phim trường. Đoàn làm phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" sang quay ở trường quay Hoành Điếm - Trung Quốc, trở về bị chê là "Tàu hoá".
Trước đó, đoàn làm phim "Thái sư Trần Thủ Độ" mượn lăng Minh Mạng làm bối cảnh nhưng lại dẹp đồ thờ và biến điện thờ thành phòng nghỉ nên bị dư luận phê phán dữ dội. Đó là những “quả đắng” không dễ nuốt với những người làm điện ảnh.
-------------------
(Còn nữa)
Quang Hưng - Phí Hà