Dân Việt

Phim Việt và giấc mộng trường quay: Phải bắt tay tư nhân

22/10/2010 10:41 GMT+7
(Dân Việt) - Đòi hỏi phải có trường quay đã hết sức cấp bách đối với phim VN. Nhưng để có một phim trường quy mô, đa năng và hiện đại, thì việc tiến hành lại đang quá chậm chạp. Cần phải có sự phối hợp giữa nhà nước và tư nhân, đó là nguyện vọng của nhiều người làm phim.

"Đợi dài cổ"

Từ nghĩ đến làm và làm cho được còn là chặng đường xa thăm thẳm. Trường quay của Hãng phim truyện VN được đưa vào kế hoạch từ lâu nhưng đến giờ vẫn là kế hoạch. 

img
Phim "Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long" phải thực hiện ở trường quay Hoành Điếm (Trung Quốc) và bị nhận xét là “Tàu hoá”

Giám đốc - NSƯT Vương Đức kể: Mấy năm trước, ở trên có cử người xuống đo đạc và có dự án nâng cấp, đến nay vẫn chưa thấy gì. Chúng tôi vẫn phải cố khắc phục hạn chế của hai phim trường hiện có.

Bộ VH-TT&DL vào năm 2007 cũng đã có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng, phục hồi, nâng cấp, cải tạo trường quay Cổ Loa với nhiều hạng mục nội, ngoại, khu kỹ thuật, sản xuất, hậu kỳ được đề ra và dự kiến cả một quy trình hoạt động đa năng, lại cung cấp cả dịch vụ kỹ thuật và phát triển du lịch.

Hái ra tiền từ trường quay
Hàn Quốc là nước có rất nhiều phim trường hiện đại, độc đáo đáp ứng được nhiều thể loại phim, nhiều thời kỳ như làng Goguryeo Daejanggan, Park Southern Land, Công viên Daejanggeum, phim trường Seorak… Hiện nay, du khách đến những trường quay này có thể được xem, chiêm ngưỡng, thậm chí là thưởng thức, trải nghiệm cuộc sống thời trung cổ của vua quan, dân hay tham gia các giờ học nấu ăn hoàng gia, làm đồ thủ công, mua sắm...
Ở Trung Quốc, ngoài phim trường nổi tiếng Hoành Điếm còn có cụm 11 phim trường của Đài Truyền hình T.Ư được xây dựng ở Thái Hồ thuộc TP.Vô Tích, tỉnh Giang Tô với vốn đầu tư 200 triệu USD. Các phim trường này hàng năm thu hút từ 20.000 - 30.000 khách du lịch đến tham quan, giao lưu gặp gỡ các diễn viên nổi tiếng, tổ chức các sự kiện xã hội… và trở thành nguồn thu chính của Vô Tích.
Hà Thu

Nhưng đến nay mới chỉ xong một phim trường 400m2. 6ha phim trường ngoại cảnh chỉ sử dụng được cho một bộ phim, không tái sử dụng được, hết sức lãng phí mà không đảm bảo tính bền vững.

Ông Nguyên Văn Nhiêm - Giám đốc trường quay Cổ Loa bộc bạch: "Tôi hy vọng trường quay sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các cấp chính quyền để công trình sớm được hoàn thiện". Xem ra trường quay này còn lâu mới đạt được dự kiến: Đến 2015, đạt công suất khoảng 30 phim truyện nhựa/năm, 60 phim video/năm... Thực tế, như nhận xét của NSƯT nhà quay phim Lý Thái Dũng thì trường quay Cổ Loa chỉ như một… nhà kho!

Đang chờ một cái... bắt tay

NSƯT Lý Thái Dũng cho rằng:

“Bộ VH-TT&DL cần nhận ra cái gì quan trọng, xem cái gì đáng đầu tư. Tôi nghĩ đây là vấn đề rất chính đáng. Hàng trăm resort (khu nghỉ dưỡng) mọc lên ở những chỗ đẹp nhất, trong khi phim trường chỉ cần một khu đất tốt để trở thành một thế giới thu nhỏ. Chúng tôi hy vọng xây dựng ven TP. Nha Trang một phim trường, ở đây nắng gần 300 ngày trong năm, khí hậu tốt, có sân bay, đường tàu…

Cần một không gian để phục dựng Hoàng Thành Thăng Long, một đoạn đường Trường Sơn anh hùng với rừng cây, những chiếc xe tải đạn, trận địa pháo… Những cái đó, hiện nay đầu tư có thể tốn kém nhưng tính hiệu quả cho điện ảnh, cho văn hoá về lâu dài thì rất rẻ”.

Ngoài sự nỗ lực chưa thành của cơ quan nhà nước trong việc tạo dựng phim trường, các hãng phim tư nhân vừa cố gắng khắc phục hoàn cảnh, vừa mơ ước và tìm cách tạo dựng phim trường - trường quay cho mình. Nhưng để có một cơ ngơi tương đối đàng hoàng cũng phải tốn hàng triệu USD, trong khi các đơn vị xã hội hoá này chưa nhận được sự đồng hành của nhà nước.

NSƯT Trần Lực - Giám đốc Hãng phim Đông A nói: “Chúng tôi không xin, nhưng rất mong nhà nước có thể phối hợp đầu tư. Ví dụ, chúng tôi có loạt dự án làm phim, có kịch bản, êkíp, phương tiện… còn phía đơn vị nhà nước xây dựng phim trường - trường quay. Có trường quay, chúng tôi đâu chỉ làm một phim, rồi hãng này, hãng khác tìm đến ngay, vì đó là cái mà ai cũng đang cần”.

Nghệ sĩ Phước Sang - Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư giải trí Phước Sang nhận định: “Điện ảnh là hàng hoá đặc biệt, rất cần được đầu tư hạ tầng. Về phim trường, hãng phim chúng tôi hay BHD, Galaxy… dư sức đầu tư. Vấn đề là nhà nước có coi đó là chiến lược quan trọng hay không. Chúng tôi rất cần nhà nước dành cho các hãng phim cơ sở hạ tầng để từ đó hình thành "khu công nghiệp văn hoá".

 NSND Hải Ninh: "Không trường quay, không làm được"

Làm phim lịch sử là tái tạo một thế giới quá khứ không còn nữa mà chúng ta phải tạo ra các mặt về lịch sử, kiến trúc, trang phục, đạo cụ, phương tiện... Trong đó trường quay đóng vai trò quan trọng. Ở đó những người làm phim có thể dựng tất cả các thứ, theo các thời. Nếu không có trường quay thì họ làm thế nào được?

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng: "Làm phim hiện đại cũng rất khó!"

Các hãng và đạo diễn VN rất "sợ" làm phim lịch sử vì không có trường quay. Ngay như quay cung đình Huế chẳng hạn, cũng có những khó khăn, ví dụ như không được sơn, quét lại. Còn quay vua chúa ở trong cảnh rêu phong thì cũng kỳ! Đó cũng là lý do mà nhiều người tập trung vào làm phim hiện đại vì nhiều bối cảnh có sẵn. Nhưng ngay cái có sẵn đó nhiều khi cũng khó, vì mình trả tiền ít quá hoặc người ta không muốn cho quay.

TS Michael Di Gregorio - nguyên chuyên gia Quỹ Ford tại VN: "Cần học kinh nghiệm nước ngoài”

VN rất cần trường quay hiện đại. Bộ VH-TT&DL nên học kinh nghiệm các nước để tạo ra những bối cảnh đặc thù, những kiến trúc đặc thù, xây dựng những bối cảnh phù hợp yêu cầu làm phim. Hiện giờ tìm được những bối cảnh của đầu thế kỷ trước đã là rất khó rồi!