Ông cho biết: Hiện tượng lũ chồng lũ ở miền Trung là bất thường và chưa từng xảy ra. Ngoài tác động của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, còn có nhiều nguyên nhân từ chính chúng ta. Diện tích rừng ngày càng thu hẹp một cách quá nhanh chóng, trong khi lực lượng kiểm lâm quá mỏng và gần như đã bị vô hiệu hóa.
Tôi đang kiến nghị với Chính phủ nên thành lập Cảnh sát rừng để đủ lực lượng, đủ trang bị và năng lực tấn công lâm tặc ngay các hiện trường, chứ không phải chỉ lập chốt ở đường cái chỉ để chặn gỗ đã đốn chặt và rất dễ bị chống phá hoặc mua chuộc.
Có ý kiến cho rằng, việc xây dựng hệ thống đường bộ và các hồ thủy lợi, thủy điện ở miền Trung là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lũ lụt. Ông nhìn nhận thế nào về đánh giá này?
- Giao thông đường bộ, đường sắt dọc miền Trung có hệ thống thoát nước, nhưng những cống thoát ấy quá nhỏ, không đủ thoát lũ. Điều này chứng tỏ quy hoạch giao thông của chúng ta chưa đủ tầm nhìn xa và chưa tính đến những tác hại có thể xảy ra.
Ngoài ra, những hồ thủy điện - thủy lợi xây dựng tràn lan hiện nay, liệu có cần thiết không? Có tính đến phương án đảm bảo an toàn cho dân cư trong những khu vực có nhiều hồ chứa nước lớn như vậy chưa?
Vấn đề quy hoạch thủy điện ở miền Trung đã được nhiều đại biểu chất vấn ở các kỳ họp trước. Đại diện Chính phủ cho rằng thủy điện không phải là nguyên nhân gây ra lũ ở miền Trung. Theo ông, làm thế nào để những ý kiến trái chiều này được rõ ràng?
- Theo tôi, Quốc hội cần có giám sát chuyên đề về vấn đề này, sau đó Quốc hội nên ban hành một nghị quyết thì khi đó mới đủ sức tăng được tính hiệu quả. Ngoài ra, nhà nước cần đầu tư nâng cấp đê điều, cải tạo hệ thống sông ngòi - kênh rạch thoát lũ.
Đồng thời nhà nước cũng cần hỗ trợ vốn, khuyến khích nhân dân miền Trung xây nhà hai tầng trở lên với kết cấu nhẹ như đã có người thiết kế và giới thiệu trên báo chí, để ít nhất cũng giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, nông sản... Những việc như vậy tôi đã nhiều lần kiến nghị, nhưng đến nay vẫn chưa thấy chuyển động gì.
Xin cảm ơn giáo sư!
Quốc Huy - Sỹ Lực (thực hiện)